Một sáng tháng 6, trên công trường xây dựng cầu Như Nguyệt do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư - xây dựng HJC và Tổng công ty Thăng Long thi công, khí thế lao động thật khẩn trương. Tại trụ T6 phía bờ Bắc Ninh, công nhân đang tập trung đổ bê tông cọc C7, trong khi đó, một nhóm khác đang đan rọ sắt cọc C8, C9.
Tương tự, ở phía bờ Bắc Giang, hơn 100 công nhân đang đan rọ sắt, lắp đặt ống chuẩn bị đổ bê tông trụ T4. Được biết, chỉ sau 6 ngày ký hợp đồng, nhà thầu đã tập kết đủ máy móc, phương tiện và triển khai ngay các phần việc; đến nay, sau gần 2 tháng thi công đã hoàn thành 20% khối lượng công việc. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2023.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh, hiện trên địa bàn có 8 cầu đang được đầu tư gồm: Như Nguyệt, Hà Bắc 2, Hòa Sơn (trên sông Cầu); Đồng Việt, Á Lữ, cầu vượt sông Thương (trên sông Thương) và Đèo Gia, Mỹ An (trên sông Lục Nam).
Đến nay cầu vượt sông Thương (thuộc dự án đường nối quốc lộ 37 - quốc lộ 17 - đường tỉnh 292) nối xã Liên Chung (Tân Yên) và xã Dương Đức (Lạng Giang) đã cơ bản hoàn thành, vượt tiến độ 10 tháng. Tại những dự án đã khởi công, nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục, bảo đảm tiến độ đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Hà Bắc 2, từ đầu tháng 6, Công ty cổ phần 873 - xây dựng công trình giao thông (TP Hà Nội) bố trí một Phó Tổng giám đốc chuyên về cầu trực tiếp xuống chỉ đạo, điều hành và xử lý các tình huống phát sinh ngay tại công trường.
Anh Đặng Văn Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần 873 - xây dựng công trình giao thông nói: “Vừa trở về từ dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tôi có mặt ngay tại dự án cầu Hà Bắc 2 để trực tiếp chỉ đạo. Dù mới về địa phương song qua nắm bắt tôi biết cầu Hà Bắc 2 có vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển của tỉnh nên yêu cầu anh em tập trung cao”.
Với lợi thế về đất đai, vị trí địa lý, những năm qua, Bắc Giang có sự bứt phá mạnh mẽ, vóc dáng tỉnh công nghiệp dần hình thành. Mặc dù vậy, qua đánh giá, việc thiếu các cầu lớn qua sông dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển giữa các địa phương.
Ví dụ ở huyện Việt Yên, dù công nghiệp vào địa bàn sớm song chỉ tập trung chủ yếu dọc trục đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, trong khi đó, tiềm năng phát triển ở địa bàn khác tương đối lớn chưa khai thác hiệu quả.
Điều này làm mất cân đối cho sự phát triển của huyện. Huyện Hiệp Hòa, dù tiếp giáp với nhiều tỉnh, TP (Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Ninh) song do thiếu sự kết nối, các thế mạnh của địa phương cũng chưa được phát huy hết.
Nhìn nhận rõ rào cản đối với sự phát triển của địa phương, tỉnh chủ động đề xuất, triển khai hàng loạt dự án cầu qua sông để kết nối với các địa phương khác. Đón đầu những dự án này, các địa phương cũng triển khai hàng loạt dự án.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hiệp Hòa triển khai một số dự án giao thông kết nối trung tâm huyện với các khu vực khác như: Đường trục Bắc Nam (chạy song song với tỉnh lộ 295); đường nối quốc lộ 37 đi Phổ Yên (Thái Nguyên); đường nối từ cầu Vát (xã Hợp Thịnh) đi xã Xuân Cẩm; đường từ Khu công nghiệp Hòa Phú đi xã Mai Đình.
Hay như huyện Việt Yên bố trí nguồn lực làm mới tuyến đường nối quốc lộ 37 (thị trấn Bích Động) đi đường vành đai IV (điểm đấu nối đường dẫn lên cầu Hà Bắc 2). Cùng với đó định hướng phát triển khu dịch vụ sân golf kết hợp với nghỉ dưỡng tại xã Trung Sơn cùng hàng loạt khu đô thị cao cấp dọc tuyến đường mới mở này.
Sau khi cầu Á Lữ hoàn thành, đô thị TP Bắc Giang cũng được mở rộng sang khu vực các xã, phường: Mỹ Độ, Tân Mỹ, Song Khê... Ông Ngô Thành Duy, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh cho biết: “Các cây cầu được đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội kết nối giữa các địa phương, tạo động lực phát triển đồng đều.
Tại các dự án đang triển khai, chúng tôi thường xuyên sâu sát, yêu cầu các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tập trung tối đa nhân lực, phương tiện thi công”.