Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa |
Liên quan đến việc Bắc Ninh cầu cứu Thủ tướng, trao đổi với chúng tôi sáng 16/3, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết có nghe thông tin về vụ việc của tỉnh Bắc Ninh.
Ông Thuận cho rằng đây là sự việc không bình thường.
"Không bình thường có thể là do chính quyền đó bất lực hoặc liên quan đến lợi ích nhóm. Nếu mạnh tay xử lý thì có thể đổ bể đường dây lợi ích. Ngoài ra, nếu không đủ sức chống lại thì phải công khai cơ quan trung ương nào, cá nhân nào đe dọa, can thiệp chứ không thể mập mờ", ông Thuận nói.
Cũng liên quan đến vụ việc của tỉnh Bắc Ninh, trao đổi với chúng tôi, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết có xem qua thông tin trên báo chí và chưa nghe vụ việc nào tương tự.
"Quan điểm của tôi, vấn đề quản lý lòng sông có đặc thù là phải thông suốt. Bởi sông chảy qua nhiều địa bàn hành chính khác nhau từ cấp tỉnh đến cấp xã nên cần có sự chỉ đạo tương đối thống nhất', ông Quốc nói.
Cũng theo ĐBQH Dương Trung Quốc, vấn nạn khai thác lòng sông dù là lấy danh nghĩa để bảo vệ giao thông đường thủy hay khai thác cát diễn ra rất khó kiểm soát và luôn bị chi phối bởi lợi ích doanh nghiệp, lợi ích nhóm.
"Đây là vấn nạn lớn đối với đời sống người dân. Do vậy, câu chuyện Bắc Ninh đề cập đến là vấn đề khá phổ biến nhưng bây giờ mới đến mức có chuyện đe dọa cả lãnh đạo cấp tỉnh và chính quyền địa phương".
ĐBQH Dương Trung Quốc (Ảnh: Tuấn Nam) |
"Tỉnh Bắc Ninh nói thẳng về việc đề nghị Bộ Công an vào cuộc vì có những yếu tố không phải của địa phương mà có thể là lợi ích của một số người ở trung ương.
Tôi rất mong Thủ tướng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc để giải quyết vấn đề không chỉ của Bắc Ninh mà còn để nhận thức đầy đủ hơn tính nghiêm trọng của việc phá hoại môi trường nhân danh khai thông đường thủy, khai thác khoáng sản", ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.
"Thái độ của tỉnh Bắc Ninh là đúng; làm kiên quyết nhưng phải thận trọng vì vấn đề rất phức tạp. Chúng ta phải nhìn vấn đề trên hai mặt. Một mặt có tác động tiêu cực từ bên ngoài nhưng mặt khác ngành Giao thông cho rằng Bắc Ninh chậm chễ trong khi Bắc Giang đã làm rồi.
Vấn đề ở đây là Thủ tướng phải chỉ đạo làm rõ ai đúng ai sai; quản lý đường thủy như thế nào để có kết luận cuối cùng", ông Quốc nói.
ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho rằng vấn đề này nên làm cho đến nơi đến chốn và khi đó sẽ bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến quản lý khai thác tài nguyên trên các lòng sông, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, tối 15/3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh xác nhận có việc cán bộ tỉnh và cá nhân ông bị đe dọa sau khi đề nghị dừng các dự án khai thác cát trên sông Cầu.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (Ảnh Báo Bắc Ninh) |
Ông Nguyễn Tử Quỳnh nói thêm: “Trong quá trình giải quyết vụ việc, có chuyện một số đối tượng đe dọa cá nhân tôi và cán bộ tỉnh thì phải báo cáo chứ biết làm thế nào được”.
Ông Quỳnh cho biết thêm, hiện, công an tỉnh Bắc Ninh đã điều tra và sau khi gửi văn bản kiến nghị sự việc, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ chờ Thủ tướng chỉ đạo giải quyết.
Khai thác cát sỏi trên sông Cầu gây sạt lở đê ở xã Quế Tân (ở Quế Võ, Bắc Ninh) (Ảnh Zing) |
Trước đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành đã có văn bản số 55/UBND-NN.TN gửi Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. Văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh làm sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng”. Theo nội dung công văn trên, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT: “Thực hiện việc sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện dự án theo Thông báo kết luận số 357/TB-VPCP ngày 06/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Riêng tỉnh Bắc Ninh đề nghị không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn từ Km1+000-Km30+000 trên sông Cầu”. Được biết, dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do công ty Cổ phần Trục vớt luồng Hạ Lưu thực hiện được cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt. Tuy nhiên, thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Ninh kiên quyết đề nghị dừng triển khai thực hiện dự án trên. Bên cạnh đó, ngày 1/3/2016, tại vị trí K74+400 – K74+500 đê hữu sông Cầu đã xảy ra sạt lở đứng với chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi 5 – 10m. Tỉnh Bắc Ninh đã phải bố trí 30 tỷ đồng để xử lý sự cố. Có thời điểm, trên địa bàn dự án nạo vét luồng có 40 tàu hoạt động gây mất an ninh tại các xã Việt Thống, Quế Tân, Phù Lương (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, toàn tuyến sông Cầu không có đoạn cạn theo quy định, không có phương tiện thủy nội địa mắc cạn nếu đi đúng trọng tải và đúng luồng. UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị tạm dừng triển khai dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đại diện UBND tỉnh này cũng cho hay sau khi dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, người dân đồng tình ủng hộ cao, an ninh nông thôn được đảm bảo. Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh lại tiếp tục nhận được văn bản của Bộ GTVT (do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký) và văn bản của Cục Đường thủy nội địa đề nghị tiếp tục tạo điều kiện thực hiện dự án. Điều này không đúng tinh thần buổi làm việc giữ Bộ trưởng Bộ GTVT với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 23/2. Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng không cho tiếp tục thực hiện dự án nạo vét đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đoạn Km1+Km30 trên sông Cầu. |