Ho là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ và cũng là nguyên nhân khiến phổ biến khiến bố mẹ phải đưa trẻ đến bác sĩ. Vào Chủ nhật, ngày 8/1 vừa qua, tại Hà Nội, bác sĩ nhi khoa người Israel Jonathan Halevy đã có buổi chia sẻ với các bậc phụ huynh về ho, nguyên nhân gây ho và điều trị ho ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ nhi khoa người Israel Jonathan Halevy. |
Bác sĩ Jonathan Halevy hy vọng qua buổi chia sẻ kiến thức về ho, các bậc phụ huynh sẽ có ý thức được về triệu chứng gây ho, nguyên nhân gây ho. Điều quan trọng hơn là trước khi dùng thuốc cho con phải nhớ tên thuốc, hiểu rằng thuốc có rất nhiều tác dụng phụ. Khi hiểu về tác dụng phụ của thuốc thì không dùng thuốc bừa bãi.
Nếu đi vào hiệu thuốc, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều loại thuốc đa dạng trị ho. “Mê hồn trận” thuốc trị ho khiến các bậc phụ huynh hoang mang, bối rối. Thế nhưng bác sĩ cho biết: “Nếu có quá nhiều loại thuốc chỉ dùng để điều trị chung cho một triệu chứng, thì điều đó không có ý nghĩa và cần phải cân nhắc lại”.
Ho là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn đến thăm bác sĩ. Ngành công nghiệp thuốc ho rất phát triển, chỉ tính riêng tại Mỹ ngành công nghiệp này “ăn nên làm ra” với doanh thu đạt 4 tỷ USD mỗi năm. Với doanh thu khủng khiếp như vậy, dễ hiểu tại sao các hãng đua nhau tung ra các sản phẩm trị ho, nhắm tới đối tượng là trẻ em.
Với tư cách một bác sĩ, trước hết muốn điều trị bệnh cho bệnh nhân, điều quan trọng nhất phải biết rõ nguyên nhân gây ra triệu chứng bệnh. Với ho, thì có rất nhiều nguyên nhân gây ho. Sau đây là những nguyên nhân gây ho bố mẹ nên biết vì nếu không biết được nguyên nhân gây ho chính xác là gì thì dễ dẫn đến việc điều trị sai.
Bác sĩ Jonathan Halevy hy vọng qua buổi chia sẻ kiến thức về ho, các bậc phụ huynh sẽ có ý thức được về triệu chứng gây ho, nguyên nhân gây ho. |
Nguyên nhân gây ho
Có một vấn đề trong điều trị y khoa ở châu Á là có đến 80% trường hợp là kê đơn, phán bệnh dựa trên lời kể, mô tả của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cụ thể ở Việt Nam, bác sĩ có thói quen kê đơn thuốc cho trẻ dựa trên lời mô tả của bố mẹ, từ đó kết luận con mắc bệnh gì và cần dùng thuốc gì để điều trị. Ít ai hiểu rằng khi con ho liên tục, ho kéo dài, thì ngoài việc hỏi bố mẹ, bác sĩ còn phải tiến hành xét nghiệm, thử máu và các xét nghiệm quan trọng khác mới có thể đưa ra kết luận nguyên nhân gây ho, từ đó có hướng điều trị đúng đắn và phù hợp. Hỏi tình trạng bệnh chỉ là một trong số nhiều cách hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân bệnh, chứ tuyệt đối không phải là cách duy nhất.
Nguyên nhân gây ho phổ biến nhất là viêm nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ nhỏ có thể 1 tháng ho một lần vì vi khuẩn, virus trong môi trường dễ dàng chuyển từ đứa trẻ này dang đứa trẻ khác.
Virus cũng là nguyên nhân gây ho. Nếu con bạn bị ho do virus mà bác sĩ lại kê kháng sinh, thì bạn cần phải xem xét lại. Vì kháng sinh không thể diệt được virus.
Ngoài ra, ho cũng là triệu chứng của bệnh hen suyễn. Đặc điểm của bệnh hen suyễn không dễ nhận ra cho đến khi biểu hiện của nó trở nên nặng và rõ ràng. Để biết trẻ có bị hen suyễn hay không thì triệu chứng đầu tiên là ho kéo dài và thường xuyên ho về đêm. Trẻ bị hen suyễn do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân phổ biến là mẹ sinh mổ. Trẻ sinh mổ có nguy cơ cao bị hen suyễn hơn trẻ sinh thường.
Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân gây ho ở trẻ. (Ảnh: Zhuyili) |
Có một số trường hợp ho sau nhiễm virus, virus không còn trong cơ thể nhưng đứa trẻ vẫn có phản ứng ho. Điều này là điều bình thường. Trường hợp này trẻ có thể ho khan kéo dài đến 8 tuần mà không bị sổ mũi, không bị sốt. Khi này phụ huynh không nên lo ngại.
Yếu tố môi trường (không khí không trong lành, bụi bẩn, ô nhiễm, khói thuốc lá) cũng khiến trẻ bị ho. Nhiều ông bố hút thuốc nghĩ rằng chỉ cần không hút trước mặt trẻ, ra ngoài hút thuốc thì sẽ không ảnh hưởng gì. Nhưng thực tế khói thuốc vẫn bám vào tóc, vào quần áo, trên người bố, và trẻ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ thói quen này của bố.
Ho do thói quen là trường hợp khá hiếm. Với những trẻ ho do thói quen thì có đi khám bác sĩ cũng không thể tìm ra bệnh. Trẻ ho thường xuyên, không có nguyên nhân rõ ràng, biến mất trong lúc ngủ, ho kéo dài hàng tuần, thuốc không thể chữa trị. Trường hợp này có thể trị liệu bằng phương pháp điều chỉnh hành vi, ví dụ gây xao nhãng, điều khiển cơn ho.
Trước khi cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào, bố mẹ cần tự hỏi bản thân hai câu hỏi. Một là liệu chúng có thực sự hiệu quả. Hai là liệu chúng có an toàn không? |
Một số loại thuốc ho phổ biến mà bác sĩ thường kê cho trẻ khi ho
Điều quan trọng bố mẹ cần biết là các loại thuốc ho trong danh mục dưới đây (trừ thuốc hen suyễn trị bệnh hen suyễn) không trị bệnh gây ho mà chỉ khiến trẻ dễ chịu, thoải mái hơn. Ví dụ trẻ bị cảm cúm và bị ho, thì thuốc ho không trị bệnh cảm cúm mà chỉ làm dịu cơn ho.
Trước khi cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào, bố mẹ cần tự hỏi bản thân hai câu hỏi. Một là liệu chúng có thực sự hiệu quả. Hai là liệu chúng có an toàn không? Một số thuốc thực sự hiệu quả nhưng lại không an toàn cho trẻ nhỏ do có quá nhiều tác dụng phụ.
An toàn và hiệu quả là hai yếu tố bố mẹ cần cân nhắc khi cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc ho nào. (Ảnh: Shutterstock) |
- Expectorants: Tăng chất lỏng trong dịch đờm, dễ dàng khạc nhổ ra ngoài khi ho. Nhưng không có chứng minh hiệu quả và có tác dụng phụ bao gồm sỏi thận và bí tiểu.
- Mucolytics:
+ Mucomyst, Acemuc: Giảm độ nhớt của chất nhầy, làm đờm lỏng ra. Tuy nhiên lại có thể làm chứng hen suyễn trầm trọng hơn. Nếu trẻ ho mà do bị hen suyễn, kê đơn thuốc này trẻ sẽ không giảm ho, thậm chí bệnh trầm trọng hơn.
+ Bromhexine (Bisolvon): Tác dụng phụ nhẹ như tiêu chảy, buồn nôn
+ Ambroxol (Halixol): Đây là loại thuốc ho duy nhất được thử nghiệm trên trẻ sơ sinh và trẻ sinh non. Giảm tổn thương phổi ở trẻ sinh non và tác dụng phụ rất nhẹ.
- Thuốc ức chế ho: Tác động đến não bộ gây ức chế phản xạ ho
+ Codeune: Không sử dụng cho trẻ em vì gây ức chế hệ hô hấp
+ Dextromethorphan: Không có chứng minh hiệu quả. Có thể được sử dụng như một thuốc gây nghiện và có tác dụng phụ như buồn ngủ, ảo giác, lờ đờ.
- Anti – Histamine: Có hai loại là thế hệ đầu và thế hệ hai
+ Thế hệ đầu: Làm “ráo”, làm khô đường hô hấp. Được sử dụng bởi tác dụng phụ, chứ không phải vì tác dụng chống dị ứng của nó. Kê thuốc không vì tác dụng chính mà vì tác dụng phụ. Khi bị dị ứng thường kê thuốc này, nếu bị ho thì kê thêm.
Trong nhóm Anti – Histamine thế hệ đầu này sẽ có các loại thuốc phổ biến như Chlorpheniramine, Oxomemazine, Phenergan, Benadryl, Tripolidine. Các loại thuốc này không có chứng minh hiệu quả điều trị ho. Tác dụng phụ bao gồm an thần, gây khó chịu, biếng ăn, ảo giác.
+ Thế hệ hai
Không có tác dụng phụ như thế hệ đầu, nhưng lại chỉ có tác dụng điều trị ho dị ứng như ho dị ứng lông mèo, lông chó. Ho do cảm cúm thì không có tác dụng. Đáng tiếc là vẫn nhiều bác sĩ kê loại này cho người bệnh, chỉ vì nó an toàn và ít tác dụng phụ. Trong nhóm này có các loại thuốc phổ biến như Zyrtec, Aerius, Clarytine.
Cũng cần lưu ý khi dùng thuốc làm thông mũi cho trẻ. (Ảnh: Kiến thức) |
- Thuốc làm thông mũi
+ Pseudoephedrine: Chưa xác định được tính an toàn và hữu hiệu khi dùng cho trẻ dưới 12 tuổi.
+ Phenylephrine: Nguyên bản để sử dụng điều trị huyết áp, không có hiệu quả điều trị thông mũi. Tác dụng phụ bao gồm ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch.
+ Thuốc làm thông mũi dạng xịt Oxymetazoline (Otrivin): Khá hiệu quả nhưng chỉ nên sử dụng tối đa 4 ngày, nếu sử dụng quá sẽ gây tác dụng ngược, mũi càng tắc ngạt hơn.
+ Steroids (Nasonex, Avamys): Hiệu quả, có thể sử dụng trong vài tuần và tác dụng phụ nhẹ, cục bộ.
- Thuốc hen suyễn
Một số loại thuốc hen suyễn bác sĩ thường kê như Bronchodilators (làm giãn đường hô hấp), Ventolin/ Salbutamol, Bricanyl, Atrovent. Thuốc giãn phế quản chỉ được sử dụng qua đường hít. Tác dụng phụ bao gồm tăng nhịp tim, loạn nhịp tim, khó chịu, chán ăn, run. Nên nhớ thuốc điều trị hen suyễn không có hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng do virus hoặc các nguyên nhân gây ho khác.
Mật ong chỉ được dùng cho trẻ trên 1 tuổi. (Ảnh: David Wolfe) |
- Các loại khác
+ Mật ong (chỉ dùng cho trẻ trên 1 tuổi)
+ Vitamin C (Ceelin): Không có hiệu quả, liều cao có thể gây sỏi thận. Đây là loại vitamin được nhiều bác sĩ kê đơn khi trẻ bị ho. Bố mẹ cần cẩn trọng vì nếu uống quá liều có thể gây sỏi thận.
+ Thảo dược như lá thường xuân (Prospan), Pouzolzia Indica (Pectol), Plectranthus Amboinicus (Astex), Echinacea, dầu bạc hà, dầu khuynh diệp có vài tác dụng.
+ Thuốc y học cổ truyền Trung Quốc: Cần đặc biệt lưu ý vì nguy cơ quá liều và dùng phải thuốc giả là rất cao. Ngoài ra thuốc y học cổ truyền Trung Quốc còn có thể nhiễm kim loại mạnh như chì, asen, có thể gây tổn thương thận, gan. Tiềm ẩn nguy cơ mắc ung thư.
Thuốc ho có an toàn không?
Phụ huynh nên biết liều lượng thuốc ho phải được tính theo cân nặng của trẻ, chứ không phải tính theo độ tuổi trẻ. Sau đây là một số thông tin cần biết về tính an toàn của thuốc ho.
2000-2007: trên 750.000 cuộc gọi đến trung tâm kiểu soát độc liên quan đến thuốc ho
2004-2005: trên 1500 lượt khám cấp cứu liên quan đến trẻ dưới 12 tuổi
1969-2006: 123 ca tử vong, trong đó có 54 ca tử vong liên quan đến Decongestants, 69 ca tử vong liên quan đến loại Anti-histamines cũ. Đa phần các trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 2 tuổi. Hầu hết các trường hợp là do nuốt nhầm và quá liều.
Những tác dụng phụ phổ biến nhất liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi
- Systemic Decongestants : Biến chứng tim mạch
- Anti- histamines: Ảo giác
- Thuốc ức chế ho: Mức độ tỉnh táo thấp và tổn thương não
Phụ huynh nên biết liều lượng thuốc ho phải được tính theo cân nặng của trẻ, chứ không phải tính theo độ tuổi trẻ. |
Thuốc ho chứa thành phần gì?
Bố mẹ lưu ý nếu bác sĩ kê hai, ba loại thuốc có thành phần giống nhau thì nên cân nhắc kỹ và hỏi lại bác sĩ. Vì khi kê đơn như vậy sẽ vừa vô tác dụng, vừa khiến trẻ bị uống thuốc quá liều.
Ameflu (màu xanh)
- Acetaminophen: 160 mg
- Phenylephrin HCl 2,5 mg
- Chlorpheniramin maleat 1 mg
Ameflu (xanh lá cây)
- Acetaminophen: 160 mg
- Phenylephrin HCl 2,5 mg
- Dextromethorphan 5 mg
(Acetaminophen = Paracetamol = Paradol = Efferlgan = Tylenol = Hapacol)
Ameflu (màu đỏ)
- Acetaminophen: 160 mg
- Phenylephrin HCl 2,5 mg
- Dextromethorphan 5 mg
- Chlorpheniramin maleat 1 mg
Ameflu (màu nâu)
- Guaifenesin 50 mg
- Phenylephrin HCl 25mg
Atussin
- Dextromethorphan 5 mg
- Chlorpheniramin maleat 1,33 mg
- Guaifenesin 50 mg
Toplexil
- Guaifenesin 66,6 mg
- Oxomemazine 3,3 mg
Bác sĩ chụp ảnh cùng một số phụ huynh may mắn nhận phần quà của chương trình. |
Những điểm cần ghi nhớ
- Xác định nguyên nhân gây ho (viêm nhiễm, sau nhiễm virus, hen suyễn, nguyên nhân khác).
- Phụ huynh luôn luôn cần phải biết tên những loại thuốc họ cung cấp cho con em mình và tại sao. Đọc kỹ tờ giấy hướng dẫn trong thuốc ho.
- Tránh kết hợp các loại siro ho khác nhau.
- Tránh siro ho có chứa Paracetamol.
- Một số thuốc như Anti histamine thế hệ 1 và thuốc ức chế ho có thể làm bệnh hen suyễn thêm trầm trọng.
- Tìm kiếm và hạn chế các nguy cơ gây ho do môi trường.
- Ambroxol (Halixol) là loại thuốc ho duy nhất được thử nghiệm trên trẻ sơ sinh và trẻ sinh non. Giảm tổn thương phổi ở trẻ sinh non và tác dụng phụ rất nhẹ.