Tiếng ve kêu râm ran ẩn khuất sau những chùm hoa phượng rực rỡ cũng là lúc các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, đối với mỗi đứa trẻ ở những vùng miền khác nhau lại có cách tận hưởng kỳ nghỉ hè chẳng giống nhau.
Với nhiều đứa trẻ, nghỉ hè chỉ cần được ra cánh đồng làng thơm mùi lúa chín và hít thở không khí trong lành đã là niềm vui không nhỏ. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
Ba tháng hè, các em không phải đến trường với mong muốn sẽ được thoải mái đầu óc, được đi chơi xa cùng gia đình hay về quê thăm ông bà, đuổi bắt châu chấu, cào cào trên cánh đồng làng thơm mùi lúa chín. Mới đây, một phụ huynh dường như đã viết thay lời tâm sự của rất nhiều đứa trẻ về ước mơ có một mùa hè được nghỉ ngơi đúng nghĩa trong một bài thơ ngắn.
Sau đây là nguyên văn bài thơ:
MĂNG DỄ CÒI
Cả năm đèn sách miệt mài
Chỉ mong hè đến nghỉ dài về quê
Ra sông tắm mát thỏa thuê
Xem đồng lúa chín, lên đê thả diều
Nhưng không cha mẹ chẳng chiều
Đã lên kế hoạch bao nhiêu việc cần
Nào là theo lớp cô Văn
Lại theo thầy Toán một tuần dăm hôm
Tiếng Anh luyện đọc mỏi mồm
Tay đàn có luyện có ôn mới thuần
Vậy là lịch kín cả tuần
Con ngoan chỉ biết phải tuân theo lời
Mẹ cha muốn tỏ với đời
Rằng con mình giỏi hơn người tài năng
Hỡi ơi cha mẹ biết chăng
Ép o nhiều quá thì "măng dễ còi".
Câu chuyện trẻ thơ "khát" được nghỉ hè theo đúng nghĩa không phải là câu chuyện quá mới. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của phụ huynh, tâm sự trên đây mang theo giá trị nhân văn sâu sắc.
Ảnh minh họa: Hieu May Tinh. |
Chỉ qua 16 câu thơ giản dị với tiêu đề "MĂNG DỄ CÒI", bài thơ như một lời nhắn gửi mà biết bao đứa trẻ muốn nhắn gửi tới cha mẹ mình. Lời thơ mộc mạc, mang đầy tâm tình của người viết khiến bố mẹ nào đọc cũng dường như thấy một phần hình ảnh của mình trong đó.
Với trẻ thơ, chỉ cần được về quê ra sông tắm mát (tất nhiên phải có người lớn đi cùng và đảm bảo an toàn) hay ra cánh đồng thả diều vào mỗi chiều rồi ngắm cánh đồng lúa chín là điều vô cùng thích thú.
Đối với các em, việc phải đối mặt với việc học thêm như một nỗi ác mộng. Đành rằng các môn học Văn, Toán... đều quan trọng và tốt cho trẻ sau này, nhưng bố mẹ hãy biết cách sắp xếp, cân đối lại cho hợp lý để trẻ khỏi bị ngợp. Nếu cứ o ép quá thì các em - vốn là măng non của đất nước - cũng sẽ dễ "bị còi" mất.
Một giáo viên dạy trung học ở Hà Nội tâm sự: "Có câu, trẻ em là măng non của đất nước. Muốn cho măng non ấy được phát triển thì phải tưới tắm, vun gốc chu đáo. Sau cả một năm học dài 9 tháng đầy căng thẳng, mùa hè về nên để cho trẻ được vui chơi cho thư thái đầu óc. Có như vậy thì các em mới có tinh thần tốt để chào đón năm học mới. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã vô tình quên đi mất điều này, trẻ cần được chơi đùa, học hành điều độ chứ không nên o ép các em quá sẽ phản tác dụng".
Trẻ được tận tay hái những quả đậu xanh tại ruộng rồi cho vào rổ sẽ rèn luyện tính chăm chỉ, kiên nhẫn cho các em. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
Anh Đỗ Danh Ngôn (SN 1981, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình tôi có hai cháu đang học cấp một. Mùa hè tôi thường cho các cháu được nghỉ dài hoặc cho sang bà ngoại chơi, chiều đi ra đồng thả diều cho thoải mái. Tôi không muốn ép các cháu phải học thêm hay gì mà muốn để cháu phát triển tự nhiên sẽ tốt hơn".
Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Diễn (SN 1979, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng, mùa hè là lúc trẻ được nghỉ ngơi.
"Vợ chồng tôi luôn để các cháu học theo cách tự nhiên, mùa hè vẫn để cho cháu tự học ở nhà các kiến thức mà cô giáo đã dạy trong năm để khỏi bị quên kiến thức. Tôi không muốn cho các con học thêm quá nhiều vào dịp hè vì sợ các cháu sẽ bị áp lực tâm lý, dễ gây stress", chị Diễn tâm sự.
Cũng theo chị Diễn, mỗi dịp hè là chị đều cho hai con mình vào nhà bà ngoại ở quê chơi cho thỏa thích, không phải lo về nhà học thêm chỗ nọ, chỗ kia.
Thầy giáo làm thơ ‘Nỗi niềm cô giáo hợp đồng’
Bằng 18 câu thơ mộc mạc, tác giả đã nói lên được nỗi lòng của các giáo viên trẻ dạy ở vùng cao về nỗi ... |