ĐB Nguyễn Văn Luật (đoàn Kiên Giang) cơ bản tán thành với việc phân cấp cho HĐND TP Hà Nội quyết định, bổ sung thu thêm một số khoản phí, lệ phí tăng. Tuy nhiên, riêng án phí và lệ phí tòa án có đặc thù và hiện Nhà nước còn bao cấp rất nhiều.
Vì vậy, nếu giao cho Hà Nội được điều chỉnh tăng như các dịch vụ hành chính công theo Luật Phí, Lệ phí, mang tính chất dịch vụ thì phải thu đúng, thu đủ sẽ có ảnh hưởng rất lớn. TP HCM cũng được QH cho thực hiện cơ chế đặc thù nhưng trong lĩnh vực án phí, lệ phí tòa án thì vẫn giữ theo qui định. Do vậy, đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách cân nhắc kỹ, báo cáo thêm.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) lại cho rằng, đã điều chỉnh phí và lệ phí thì tất cả phải mang tính đồng bộ, các loại phí và lệ phí phải nằm trên cùng một mặt bằng, có sự liên quan đến nhau, phù hợp với nhiều yếu tố của địa phương. Vì vậy, nếu đã giao thì giao tất cho HĐND điều chỉnh.
ĐB Cường nói thêm, QH đã thông qua cơ chế tài chính ngân sách đặc thù với TP HCM và tới đây là Hà Nội; đã xem xét, cho ý kiến với Đà Nẵng.
Tới đây nữa còn tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nào nữa hay không, đề nghị Chính phủ cần báo cáo một cách tổng thể. Nếu tất cả các TP trực thuộc Trung ương đều có cơ chế tài chính ngân sách đặc thù thì không hiểu như vậy còn gọi là đặc thù được nữa hay không?
“Cùng với đó, cũng phải làm rõ ngoài những tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thì các tỉnh khác, như các tỉnh nghèo có đặc thù không?
Với các chính sách cơ bản nên đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc chứ không nên để người dân ở mỗi nơi có chính sách pháp luật với nhân dân khác nhau”, ĐB Cường nói.
Ủng hộ đề xuất cho phép HĐND TP Hà Nội được phép quyết thu những khoản phí cao hơn trước đây nhưng ĐB Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc này phải nhận được sự đồng thuận của người dân.
Liên quan đến về vấn đề sử dụng đất, ĐB Thực cho rằng, chủ trương di dời trụ sở các cơ quan trường học ra khỏi nội đô đã có chỉ đạo từ năm 2015. Chính phủ quyết liệt nhưng đến nay việc thực hiện còn nhiều tồn tại.
Để giãn mật độ nội đô, các cơ quan, xí nghiệp đã chuyển trụ sở ra bên ngoài nhưng vẫn không trả trụ sở cũ. Cần khắc phục những hạn chế trên.
ĐB Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ) cũng cho hay, nhiều cơ quan, bộ, ngành đã xây dựng trụ sở mới, chuyển trụ sở ra ngoài nội đô nhưng không trả lại trụ sở.
Cần kiểm điểm lại việc thực hiện này vì nếu tổ chức thực hiện triệt để sẽ giúp Hà Nội đỡ quá tải, có nguồn lực để phát triển.
ĐB Nguyễn Văn Luật cũng nêu vấn đề: Khi các bộ xin Chính phủ giao UBND TP Hà Nội bố trí quỹ đất để chuyển trụ sở ra ngoài để tránh ùn tắc, tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lí nhà nước có trụ sở rộng, đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Nhưng dư luận phản ánh, cử tri cũng rất bức xúc về việc nhiều diện tích đất lẽ ra phải dành để xây công viên, nơi nghỉ ngơi cho nhân dân, chỗ vui chơi cho trẻ em nhưng lại bán hết đất cho các doanh nghiệp để xây dựng các khu chung cư.
Chúng ta chỉ kêu là đường tắc, hạ tầng thiếu, trường học không đảm bảo… nhưng tại sao hở chỗ nào là bán cho doanh nghiệp để xây cao ốc?
Đó là vấn đề lợi ích. Ngay cả Hà Nội cũng vậy. Nhiều công sở thuộc quản lí của TP nhưng khi xây dựng các khu trung tâm hành chính thì nhiều sở, ngành xin bán cho các doanh nghiệp. Hà Nội cũng phải nhìn nhận vấn đề rất đúng mức để xử lí mới triệt để.