Đơn ngành và đa ngành
Một trong vấn đề được nhiều người đề cập đến là việc nhóm nghiên cứu cố gắng đưa ra một bảng xếp hạng tổng thể cho tất cả các trường mà không tính đến đặc thù của hệ thống giáo dục đại học (ĐH) ở Việt Nam.
GS. TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhận định đây là một trong những điểm còn "hạn chế", và cần phải được cải thiện nếu nhóm tiếp tục theo đuổi việc đưa ra bảng xếp hạng tiếp theo cho các trường ĐH Việt Nam.
"Bộ tiêu chí mà nhóm đưa ra có thể áp dụng cho các trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực thì tạm ổn, nhưng ở Việt Nam, đa số các trường ĐH lại là đơn ngành. Không thể lấy một trường đơn ngành để xếp với trường đa ngành được".
Bảng xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam được cho là không phù hợp khi "nhốt" chung các trường đơn ngành và đa ngành
Ông Đức dẫn ví dụ ĐHQG Hà Nội đã tiến hành xếp hạng các trường, khoa thành viên và ngay trong việc xếp hạng "nội bộ" này cũng phải tính đến sự khác biệt giữa các trường khối khoa học xã hội và nhân văn và các trường thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Chẳng hạn, với các trường khoa học tự nhiên thì một năm yêu cầu mỗi cán bộ phải có 1 bài báo quốc tế, trong khi khối khoa học xã hội và nhân văn chỉ cần 0,3 bài.
"Lấy số bài báo công bố quốc tế của nhóm khoa học tự nhiên mà xếp cho trường ĐH về kinh tế như Ngoại thương thì chưa hợp lý lắm" - ông Đức nói thêm.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Hiền, ĐH Đà Nẵng, một trong 3 thành viên nhóm S4VN từng công bố bảng xếp hạng các trường ĐH dựa trên các công bố quốc tế việc xếp chung các trường đa ngành với các trường đơn ngành thể hiện rất rõ bất cập nhất là với các trường đơn ngành thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn.
"Các kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn khó được công bố quốc tế, chiếm tỉ lệ nhỏ hơn nhiều so với khoa học tự nhiên và công nghệ. Nghĩa là một trường ĐH chuyên về các ngành khoa học xã hội như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì không thể đem so sánh với các trường ĐH đa ngành hay chuyên về khoa học tự nhiên và công nghệ. Trong khi đó, trọng số về nghiên cứu khoa học dựa trên công bố quốc tế lại chiếm tới 40% nên số điểm của những trường này thấp hơn nhiều mà không hẳn là do năng lực nghiên cứu".
Lẽ ra nhóm xếp hạng đại học Việt Nam nên tách các cơ sở giáo dục ĐH chuyên về khoa học xã hội hoặc định hướng đơn lĩnh vực (như ĐH Y) riêng ra chứ không nên để một bảng chung.
Ông Nguyễn Đức Long, đại diện tại Việt Nam của ĐH Quốc tế Stamford thuộc hệ thống ĐH Quốc tế Laureate thì nhận định, nếu nhìn vào bảng xếp hạng sẽ thấy buồn cười khi thấy Trường ĐH Y Hà Nội xếp dưới Trường ĐH Xây dựng hay xếp trên Trường ĐH Ngoại giao, Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Việc khống tính đến đặc thù của hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam đã khiến tiêu chí "đầu ra" duy nhất trong bộ khung 3 nhóm tiêu chí dùng để xếp hạng của nhóm không phản ánh đúng được thực tế các trường.
"Việc chỉ sử dụng các công bố quốc tế trên danh mục tạp chí ISI sẽ khiến các trường kinh tế, các trường thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn không có được số lượng bài báo như khối khoa học tự nhiên dù tính theo cách nào. Sẽ hay hơn nếu chúng ta tính cả những bằng sáng chế và số lượng những ý tưởng, công bố của các trường được triển khai trên thực tế".
Trong buổi tọa đàm tổ chức chiều 6/9, TS Nguyễn Ngọc Anh, thành viên nhóm nghiên cứu cũng đề cập vấn đề này khi khẳng định, việc xếp các trường đơn ngành và đa ngành với nhau "đã là vấn đề".
Tuy nhiên, ông Anh giải thích: "Cái mà nhóm hướng đến là mục đích khác, để các trường thấy rằng nếu mình như thế thì mình có thể làm cái gì tốt hơn cho xã hội. Do đó, dù bảng xếp hạng còn có điều này điều kia thì bọn mình chấp nhận".
Đối với vấn đề này, ông Phạm Hùng Hiệp, ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan), một thành viên của nhóm S4VN cũng cho rằng, nhóm không nên công bố một bảng xếp hạng tổng mà chỉ công bố bảng xếp hạng thành phần theo từng tiêu chí nhỏ.
Chẳng hạn ở đây nhóm có 10 tiêu chí nhỏ trong 3 nhóm tiêu chí thì nên côgn bố 10 bảng con hơn là 1 bảng tổng thể. "Khi cố gắng dồn vào 1 bảng xếp hạng thì dẫn đến ép dữ liệu của trường vào dẫn đến một số sẽ gượng ép và kết quả quá sai lệch gây ra phản ứng không đáng có như trường hợp của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội".
Đầu vào và đầu ra
Bộ khung tiêu chí mà nhóm nghiên cứu đưa ra như phép đo để xếp hạng 49 trường ĐH cũng khiến nhiều người băn khoăn.
Ông Phạm Hùng Hiệp cho rằng bộ tiêu chí của nhóm đưa ra dù đã rất nỗ lực trong điều kiện có thể, nhưng vẫn có "thiếu sót". Chẳng hạn như về xếp hạng thì người ta thường lấy "đầu ra", nhưng bộ tiêu chí của nhóm lại lấy khá nhiều tiêu chí "đầu vào" như điểm thi đầu vào, hoặc các tiêu chí mang tính kiểm định chất lượng chứ ít khi khi đưa vào xếp hạng.
Bộ tiêu chí được nhóm tác giả sử dụng để đánh giá được cho là thiếu các tiêu chuẩn đầu ra
"Việc sử dụng nhiều chỉ số đầu vào hơn là đầu ra khiến bảng xếp hạng không còn chuẩn quốc tế dù nguyên tắc đặt ra của nhóm là theo chuẩn quốc tế".
Bên cạnh đó, ở một số chỉ số nhóm có thể nỗ lực hơn để mang lại phản ánh toàn diện hơn như chỉ số về quốc tế hóa của các trường, hay việc đếm số bài báo ISI đầy đủ hơn cho các trường trong bối cảnh tên tiếng Anh của các trường ĐH Việt Nam trên các ấn phẩm thường không thống nhất. "Chẳng hạn ĐHQG TP.HCM có tới 150 tên tiếng Anh khác nhau. Do đó, nếu cố gắng để tầm soát được hết số bài báo khoa học thì điểm số của ĐH này sẽ không 'tệ' như vậy".
Ông Nguyễn Đức Long cũng có cùng nhận định này khi cho rằng trong 3 nhóm tiêu chí thì có vẻ nhóm tiêu chí về nghiên cứu khoa học là "tương đối chuẩn", vì công bố quốc tế là kết quả "đầu ra" của nghiên cứu. Tuy nhiên, 2 nhóm tiêu chí còn lại về chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất dường như không có nhiều yếu tố về đầu ra.
"Vấn đề mà xã hội Việt Nam quan tâm nhất về giáo dục đại học lúc này là sinh viên ra trường có tìm được việc làm không, có làm được việc không và doanh nghiệp đánh giá thế nào về chất lượng sinh viên thì lại không được đưa vào làm tiêu chí" - ông Long nói.
"Nhiều trường tỉ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ cao hơn cả các trường nước ngoài nhưng không có ý nghĩa gì nhiều. Thậm chí, tôi biết có nhiều trường 'nuôi' cả một nhóm nghiên cứu, chấp nhận lỗ để một năm 'đẻ' ra các bài báo quốc tế để tính vào thành tích nghiên cứu rồi quảng bá để tuyển sinh, nhưng thực tế những nghiên cứu đó chẳng gắn gì với đào tạo và chất lượng sinh viên cả".
Nhóm tác giả tại buổi công bố bảng xếp hạng
GS Nguyễn Hữu Đức thì nhận xét, nhìn chung, nhóm xếp hạng đã có cách tiếp cận tiệm cận với các bảng xếp hạng thế giới khi quan tâm 2 tiêu chí về nghiên cứu khoa học và đào tạo. Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo thì chỉ tính số lượng cán bộ trên sinh viên và điểm đầu vào thì vẫn thiếu tiêu chí là đánh giá đầu ra.
"Các bảng xếp hạng hiện nay đều lấy ý kiến của nhà tuyển dụng hay các chuyên gia. Một bảng xếp hạng chuẩn phải có 2 nguồn thông tin: Một trường cung cấp và hai là do tổ chức xếp hạng tự đi khai thác lấy. Bên cạnh các báo cáo thì các tổ chức này cũng gửi một loạt thư điện tử để khảo sát ý kiến từ các nhà tuyển dụng tới các chuyên gia" - ông Đức nói. "Kết quả của nhóm đưa ra hoàn toàn cứng nhắc ở những con số".
Quá dựa vào các tiêu chí định lượng có sẵn khiến kết quả cuối cùng phụ thuộc mạnh vào chất lượng dữ liệu cũng được GS Lê Bảo Long (ĐH Quebec, Canada) coi là một điểm cần phải lưu ý ở bảng xếp hạng vừa được công bố.
"Các bảng xếp hạng quốc tế dùng cả các tiêu chí định lượng (như số công bố khoa học, số lần trích dẫn,…) lẫn định tính dựa trên khảo sát. Chẳng hạn như bảng xếp hạng đều dành một tỉ trọng lớn cho mức độ "uy tín" của các trường ĐH thông qua việc khảo sát người học hoặc các chuyên gia. Như bảng xếp hạng của QS dành đến 40% cho thông số này, bảng xếp hạng THE dành cho uy tín về giảng dạy 15%, uy tín về NCKH 18%" - ông Long cho hay.
Nỗ lực và dũng cảm
Mặc dù còn nhiều vấn đề phải bàn về việc xây dựng tiêu chí, mức độ tin cậy của kết quả, song hầu hết các chuyên đều khẳng định, cần phải ghi nhận sự nỗ lực và dũng cảm của nhóm chuyên gia khi đưa ra bảng xếp hạng đầu tiên cho các trường ĐH Việt Nam.
Ông Phạm Hùng Hiệp nhận định, bảng xếp hạng là nỗ lực rất lớn của nhóm nghiên cứu trong điều kiện hạn chế cả về nguồn lực con người và tài chính, và đây là điều đáng được ghi nhận. Kể cả một nhóm độc lập khác làm thì cũng khó có thể làm tốt hơn nhiều so với những gì nhóm này đã làm được.
Theo GS Nguyễn Hữu Đức cần phải ghi nhận nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong bối cảnh hiện nay
GS Nguyễn Hữu Đức thì cho rằng, hiện nay, nhu cầu được cung cấp thông tin về chất lượng các trường ĐH của cộng đồng, người học, phụ huynh là rất lớn. Tuy nhiên, trước nay chưa có một bảng xếp hạng nào có nhiều tên các trường ĐH của Việt Nam khiến cộng đồng không có nhiều thông tin để lựa chọn trường cho con em mình. Vì vậy, việc có một bảng xếp hạng "rất Việt Nam" dù còn rất đơn giản để có nhiều tên của trường ĐH Việt Nam vào bảng xếp hạng là rất cần, và điều đó phải khuyến khích.
GS Lê Bảo Long thì nhìn nhận, vẫn tồn tại những vấn đề khó có câu trả lời thỏa đáng cho tất cả các bên liên quan, như phương pháp xếp hạng nên thế nào và độ chính xác của dữ liệu dùng cho việc xếp hạng, song vẫn có thể hy vọng vài mặt tích cực của chuyện xếp hạng này.
"Các trường ĐH Việt Nam có thể sẽ hợp tác tốt hơn trong việc cung cấp số liệu chính xác cho công việc xếp hạng (hy vọng với cả các tổ chức trong nước và quốc tế) trong tương lai. Các trường đã thấy rằng kết quả xếp hạng vừa công bố có ảnh hưởng nhất định, nếu ko muốn nói là khá “nghiêm trọng” tới uy tín của họ".
"Có những chuyện tưởng chừng rất đơn giản và nên làm để tạo thương hiệu nhưng nhiều trường ĐH Việt Nam chưa quan tâm làm tốt: một số trường dùng nhiều tên khác nhau, không thống nhất trên các ấn bản quốc tế".
Ông Long hy vọng bảng xếp hạng này sẽ tạo nên chuyển biến tích cực, tạo thêm động lực cho ĐH Việt Nam như chính nhóm tác giả mong muốn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Long cũng khẳng định, bảng xếp hạng được đưa ra rất đúng thời điểm và phải ghi nhận nỗ lực lớn của nhóm nghiên cứu này. Tuy nhiên, với mục tiêu có một bảng xếp hạng để phụ huynh, học sinh tham khảo để chọn trường đại học thì chưa đạt được ý nghĩa như mong muốn.
"Cần tính đến tác động về mặt xã hội khi công bố kết quả của báo cáo xếp hạng vì nó hoàn toàn có thể dẫn đến những chỉ dẫn thiếu tích cực khi hầu hết phụ huynh, học sinh nói chung không phải những nhà chuyên môn để ngồi quan tâm và bàn luận về sự đúng đắn của tiêu chí" - ông Long nói. "Cần phải có cái nhìn bình tĩnh với những bảng xếp hạng như thế này".
PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Cần Thơ: "Có trong bảng xếp hạng nhưng không thấy ai xuống trường hỏi điều gì"Việc xếp hạng nào cũng gây tranh cãi, nhưng tôi không xem việc xếp hạng làn này là quan trọng, dù theo bảng này thì Trường ĐH Cần Thơ đứng ở vị trí “kha khá”. Trường ĐH Cần Thơ làm tất cả mọi thứ không phải để đứng thứ hạng cao. Những gì chúng tôi có về cơ sở vật chất, nhân lực, đội ngũ... là để mang lại hiệu quả cao trong đào tạo, sinh viên ra trường có việc làm và trách nhiệm xã hội của một trường đại học. Mỗi trường đại học đều có một đặc thù riêng nên việc xếp hạng chỉ mang tính tương đối, dù qua bảng xếp hạng này cũng thấy được chỗ này hơn chỗ kia. TS. Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: "Cần làm rõ nhóm xếp hạng có vị trí, kinh nghiệm gì" "Tôi không biết nhóm xếp hạng đã phân tích các tiêu chí để xếp hạng như thế nào, và đặc biệt những người trong nhóm xếp hạng có vị trí, vai trò gì, kinh nghiệm ra sao. Điều này cần phải làm rõ. Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện tại chúng tôi đang giá ngoài theo tiêu chuẩn của AUN-QA. Chúng tôi biết tổ chức AUN như thế nào, bộ tiêu chuẩn đánh giá cấp trường của AUN ra sao. Như vậy, khi đánh giá tiêu chí nào đạt, tiêu chí nào không đạt là rõ ràng chứ không thể nói chung chung được. Tôi cũng khá băn khoăn về việc trong bảng xếp hạng ở tiêu chí nghiên cứu khoa học nổi lên một số trường “không có tiếng tăm”. Về nguyên tắc, nếu người nghiên cứu thuộc trường nào, dù là giảng viên chính, thỉnh giảng hay hợp đồng khi công bố các công trình khoa học ghi tên trường là đúng. Các trường đại học cũng không phải là không có cách để tăng số lượng bài báo khoa học, chỉ là những trường này họ đầu tư cho khoa học từ gốc hay từ ngọn. Và nếu có bất kỳ cuộc xếp hạng nào, thì nên để trường thành viên của hai đại học quốc gia đứng riêng từng trường chứ không thể “gom” vào một mối. Lê Huyền ghi |