Trên thời báo Le Monde (Pháp), 9 cơ quan báo chí lớn nhất châu Âu, trong đó có AFP, AP, DPA, cùng kêu gọi các hãng dịch vụ Internet như Facebook, Google phải trả phí cho nội dung tin tức được chia sẻ thông qua hệ thống của họ.
"Facebook hay Google không có tòa soạn riêng, cũng không có các nhà báo sẵn sàng mạo hiểm tính mạng ở Syria hay có những biên tập viên phụ trách việc kiểm duyệt, xác thực thông tin mà phóng viên thu thập được", các cơ quan báo chí châu Âu chia sẻ. Thế nhưng, 60-70% doanh thu của họ đang đến từ quảng cáo, phần lớn trong số đó là nhờ công sức của người khác.
Cuộc chiến giữa các nhà xuất bản và nền tảng mạng xã hội đang ngày càng tăng sức móng khi người dùng bắt đầu chuyển từ máy tính sang thiết bị di động để theo dõi tin tức. Theo thống kê của Pew, số người chọn đọc tin trên thiết bị di động đã tăng lên 65% trong năm 2017.
Những năm qua, Facebook, Google đã tạo ra những công cụ giảm thời gian tải nội dung trên thiết bị di động. Năm 2015, Facebook công bố Instant Articles, cho phép các nhà xuất bản lưu nội dung di động trên máy chủ của Facebook để người dùng mạng xã hội có thể mở bài báo tức thì. Năm 2016, Google có động thái tương tự khi tung ra tính năng
Accelerated Mobile Pages (AMP) cho phép người dùng mở bản tin với thời gian tải trang gần như bằng không.
Trong khi cả AMP lẫn Instant Articles cải thiện trải nghiệm di động của người dùng, những công cụ này lại gây thiệt hại không nhỏ cho các tòa soạn vì chúng loại bỏ đường link gốc, những nội dung liên quan cuối bài, không hiển thị bình luận của độc giả, không đăng quảng cáo... khiến doanh thu báo chí sụt giảm.
Hồi tháng 4, một loạt tờ báo lớn như New York Times, Guardian, Hearst... đã ngừng sử dụng Instant Articles sau khi nhận thấy những bài viết mà họ tự tùy biến cho di động đem lại doanh thu cao hơn cũng như tỷ lệ đăng ký thuê bao lớn hơn. Facebook đã phải nhún nhường, bổ sung một số thay đổi như mở rộng diện tích quảng cáo, thêm nút đăng ký thuê bao (cho các tờ báo có thu phí đọc bài)...
Tuy nhiên, các nhà xuất bản châu Âu cho rằng những nỗ lực đó chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ vấn đề. Họ tin rằng các hãng Internet đang sử dụng không công nội dung của họ và đề nghị Liên minh châu Âu phê chuẩn việc yêu cầu các hãng Internet phải trả tiền.
Tuy nhiên, một số thành viên của Nghị viện Liên minh châu Âu lại lo ngại hành động này có thể là mối đe dọa tới Internet miễn phí cũng như việc tự do tiếp cận tin tức của người dùng.