Rất đông hành khách xếp hàng làm thủ tục an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 22-8 . Ảnh nhỏ: Tấm bêtông bị dịch chuyển và chênh cao tại khu vực tiếp giáp giữa đường băng 1B và đường lăn S1 phía tây sân bay Nội Bài. (Ảnh: QUANG ĐỊNH - NIA)
Và các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo: cả hai sân bay lớn nhất nước này có khả năng phải dừng khai thác bất cứ lúc nào.
Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT ngày 20/8 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đường băng 11L/29R (đường băng 1A) và các đường lăn của sân bay Nội Bài có khả năng dừng khai thác bất cứ thời điểm nào do hư hỏng nhưng chỉ được sửa chữa tạm thời, không đảm bảo an toàn.
Trao đổi với phóng viên, một cơ trưởng máy bay Boeing 787 bày tỏ: "Mỗi lần tôi tăng ga chạy đà để cất cánh ở đường băng 1A Nội Bài thì máy bay ì ra do mặt bêtông nhựa trên đường băng bị lún. Lúc đó tôi phải tăng ga hơn 50% công suất so với bình thường máy bay mới chạy đà được. Trong khi tại sân đỗ có mặt sân tốt, máy bay chỉ cần nổ máy ở chế độ không tải đã lăn bánh được".
Vị cơ trưởng cũng nêu những lo ngại về nguy cơ dị vật từ những mảnh vỡ bêtông bong bật trên đường băng có thể làm hỏng động cơ, cánh tà máy bay rất cao. "Những hôm trời mưa, máy bay phải lăn qua những vị trí đường băng, đường lăn bị hỏng, bùn phụt đầy càng, bụng máy bay như vừa đi cày ruộng về" - vị cơ trưởng nói thêm.
Trong báo cáo định kỳ hằng tuần của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài gửi Cục Hàng không về tình trạng đường băng, đường lăn (khu bay) luôn có nội dung phát sinh các điểm hư hỏng. Thậm chí nhiều điểm hư hỏng được sửa xong lại bong tróc.
Cụ thể, trong báo cáo khẩn của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mới đây cho biết bề mặt đường băng 1A có xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh máy bay tập trung trong phạm vi 600m, mỗi vệt rộng 1m. Tổng diện tích hằn lún là 1.200m2 trên tổng diện tích 144.000m2 của đường băng. Ngoài ra, tim đường băng này ở đoạn gần đường lăn S5 có hiện tượng nứt dọc tim theo kiểu rạn chân chim với khe nứt 1mm, dài 30-50cm ngắt quãng.
Tương tự, đường băng 11R/29L (1B) cũng thường xuyên xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ và phụt bùn tại nhiều vị trí với tổng diện tích 45,5m2. Một số tấm bêtông trên đường băng này có hiện tượng bị lún. Cá biệt tại giao điểm với đường lăn S7 và sân quay đầu phía tây đường băng có những vị trí độ lệch khe giữa hai tấm bêtông ximăng lên tới 3cm.
Cũng theo báo cáo của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các đường lăn (nối đường băng với nhau hay nối đường băng với sân đỗ) giáp đường băng 1A xuất hiện vệt hằn theo vệt bánh sau của máy bay. Đường lăn S3 có khu vực đưa vào khai thác sau sửa chữa từ tháng 8-2018 đến nay tiếp tục bị hư hỏng do nền yếu, có thời điểm phải dừng khai thác vì không đảm bảo an toàn cho máy bay lăn qua...
Nhằm khắc phục tạm thời những hư hỏng trên, ông Vũ Ngọc Kiệm - phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - chia sẻ: "Từ ngày 9 đến 15/8/2019, các đơn vị đã thực hiện trám vá tại 11 vị trí với khối lượng trám vá là 8,86m, gia cố nền chống phùi bùn được 25m. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đưa các điểm xung yếu vào danh sách theo dõi đặc biệt và triển khai các giải pháp khắc phục tạm thời để đảm bảo phục vụ hoạt động bay an toàn bay".
Đông đảo hành khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Nói thêm về nội dung báo cáo gửi Bộ GTVT ngày 20-8, ông Phạm Văn Hảo - phó cục trưởng Cục Hàng không - cho biết hiện nay các hạng mục về đầu tư và sửa chữa tài sản khu bay đều tạm dừng do vướng mắc về cơ chế. Do vậy, để đảm bảo an toàn khai thác, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chỉ có thể thực hiện công tác sửa chữa tạm thời hệ thống đường băng, đường lăn...
Đây cũng là lý do phát sinh nhiều nguy cơ mất an toàn cho hoạt động bay và thậm chí phải dừng khai thác bất cứ thời điểm nào do không đảm bảo an toàn.
Để khắc phục tình trạng xuống cấp, hư hỏng mặt đường băng, đường lăn, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã lập kế hoạch sửa chữa toàn diện hệ thống đường băng, đường lăn... đã hư hỏng. Cục Hàng không cũng đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được sử dụng vốn của doanh nghiệp này để sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không.
"Trước tình hình xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống đường băng, đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, có nguy cơ mất an toàn hàng không, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí một phần vốn phù hợp với nguồn dự phòng trung hạn 2016-2020 của Chính phủ để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài... Trường hợp không thể bố trí được vốn ngân sách, kính đề nghị Thủ tướng xem xét phương án sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện như Bộ GTVT đã kiến nghị trước đó".
Trích báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể gửi Thủ tướng Chính phủ.
Sở dĩ Bộ GTVT phải có kiến nghị như trên vì theo quy định pháp luật, đường băng, đường lăn là kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý, thực hiện đầu tư, sửa chữa bằng vốn ngân sách. Trong khi đó ACV đã cổ phần hóa nên không được bỏ tiền của doanh nghiệp này đầu tư, sửa chữa đường băng, sân đỗ.
(Đồ họa: NHƯ KHANH)
Ông Lại Xuân Thanh (chủ tịch Hội đồng quản trị ACV):
Vướng cơ chế nguồn vốn
Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc sửa chữa, nâng cấp đường băng vẫn là cơ chế về nguồn vốn, cần phải gỡ cơ chế mới giải quyết được. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ khu bay được xem là tài sản của Nhà nước nên theo Luật quản lý tài sản, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo phải dùng ngân sách, không được dùng vốn doanh nghiệp.
Muốn dùng ngân sách phải tuân theo Luật ngân sách, phải đưa các dự án đó vào danh mục dùng vốn đầu tư trung hạn và được Quốc hội thông qua. Trong khi đó, vốn đầu tư công lại không có để bố trí. Còn ACV muốn bỏ vốn để làm thì do vướng cơ chế quản lý tài sản công nên các cấp có thẩm quyền chưa thống nhất được.
Trước tình hình hiện nay, chúng tôi chỉ mong một là Nhà nước đầu tư theo cách nào thì Nhà nước quyết. Còn giao cho ACV đầu tư thì chúng tôi sẽ thực hiện.
Ông Trịnh Văn Nhân (cựu cơ trưởng máy bay Airbus A330):
Tạo ấn tượng không hay với khách quốc tế
Nếu đường băng hằn lún mà Boeing 787 phải tăng thêm 50% công suất để chạy đà thì mức độ gồ ghề khá lớn, gây lực cản cao. Trường hợp xấu, máy bay tiếp đất đúng điểm lún, gồ ghề thì nguy cơ bị vỡ lốp, gãy càng là hoàn toàn có thể. Còn trường hợp dị vật văng vào làm hỏng cánh tà máy bay như từng xảy ra vẫn là nhẹ. Nếu dị vật từ đường băng bị hút vào làm hỏng động cơ trị giá 5-6 triệu USD/chiếc thì việc đền bù rất phức tạp.
Một vấn đề khác, sân bay là cửa ngõ đón khách quốc tế nên nếu để khách có ấn tượng xấu khi đường băng không êm thuận, máy bay bị phụt bùn bẩn sẽ tạo ấn tượng không hay.
TS Võ Kim Cương (nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP HCM):
Phải khẩn trương xây dựng nhà ga T3
Từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã được dự báo trước, nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra bàn bạc. Tuy nhiên, các dự án vẫn ì ạch, chưa triển khai xong. Chính sự trì trệ đó khiến nạn ùn tắc cả trên trời lẫn dưới đất ở khu vực này ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triền giao thông, kinh tế - xã hội của toàn TP.
Tôi cho rằng TP HCM nên sớm thực hiện các giải pháp để hạn chế ùn tắc khu vực sân bay. Bên trong sân bay, nhà ga T3 phải khẩn trương được xây dựng, chậm nhất là đến năm 2022 phải được đưa vào khai thác. Để làm được điều này, các đơn vị chọn ra một đơn vị giao cho quản lý riêng dự án này. Đơn vị này có trách nhiệm rà soát các vướng mắc, khó khăn mà dự án đang gặp phải, đề xuất TP giải quyết kịp thời. TP không để công trình xây dựng nhà ga T3 chậm trễ thêm nữa.
TUẤN PHÙNG - THU DUNG ghi