Cấp thẻ hành nghề cho tài xế xe ôm: Tháo ra ai biết để xử lí vi phạm?

Theo TS Phan Lê Bình, khi gắn phù hiệu, cấp thẻ hành nghề, tài xế vẫn có thể tháo bỏ bình thường và cơ quan quản lí khó phát hiện, xử lí vi phạm.

IMG_9505

Hiện tại ở Hà Nội có rất nhiều người hành nghề xe ôm. (Ảnh: Di Linh).

Có cần thẻ hành nghề để quản lí xe ôm?

Ngày 14/8, Sở GTVT Hà Nội có tờ trình UBND TP dự thảo "Qui định về quản lí sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội".

Dự thảo có qui định từ ngày 1/1/2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn TP Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

Ngày 23/8, trao đổi với chúng tôi, TS Phan Lê Bình, Giảng viên trường Đại học Việt - Nhật cho rằng trước khi bàn đến chuyện khả thi thì nên xem việc đưa ra qui định trên để nhằm mục đích gì.

"Hiện nay, các tài xế xe ôm vẫn chở hàng hóa, hành khách. Đây là công ăn việc làm cho những người chưa có cơ hội có việc làm ổn định hơn, tốt hơn.

Công việc này không đòi hỏi kĩ năng nghề nghiệp nhiều và trước mắt đáp ứng cho một bộ phận khá đông người dân cũng như tạo ra thu nhập tương đối ổn định.

Vậy ở đây, chúng ta thấy có vấn đề gì khi chưa quản lí được các tài xế?", ông Bình đặt câu hỏi.

IMG_6440

Nhiều người không đăng kí tạm trú, việc cấp thẻ có dễ dàng? (Ảnh: Di Linh).

Đối với vấn đề cấp thẻ hành nghề có khả thi trong thực tế hay không, ông Bình cho biết con số những người chạy xe ôm đông nhưng có nhiều người không đăng kí tạm trú.

"Nhiều người không đăng kí tạm trú, do đó, việc cấp thẻ có thể tạo ra rào cản lớn. Bên cạnh đó, việc đăng kí tạm trú cũng chưa được chặt chẽ.

Ngoài ra, các đơn vị quản lí nhà nước cấp phường xã cũng có khối lượng công việc khá lớn. Việc đưa thêm qui định trên có tạo gánh nặng cho bộ máy địa phương?, TS Bình cho hay.

Bên cạnh đó, theo TS Phan Lê Bình, khi gắn phù hiệu, tài xế vẫn có thể tháo bỏ bình thường và cơ quan quản lí khó phát hiện, xử lí vi phạm.

"Với xe ôm công nghệ, chúng ta muốn quản lí tính an toàn, doanh số hoặc thuế thì cần hợp tác với đơn vị cung cấp dịch vụ như Grab, Go-Viet mà không cần tiếp cận bằng phù hiệu.

Với xe ôm truyền thống mang tính vận tải nhưng không có tổ chức, không thường xuyên hành nghề thì cũng chưa thấy hệ lụy rõ ràng. Do đó, có nhất thiết phải can thiệp bằng cách cấp thẻ, phù hiệu?", ông Bình cho biết thêm.

Cần lộ trình quản lí cụ thể?

Cũng trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông, TS Trần Hữu Minh cho rằng việc quản lí xe máy, xe thô sơ trong kinh doanh vận tải là điều cần thiết.

Theo TS Minh, việc quản lí các phương tiện trên chỉ được qui định chung trong Luật Giao thông đường bộ, Thông tư 28, Thông tư 46 của Bộ GTVT và Nghị quyết số 05 năm 2008 của Chính phủ.

TS Minh cho biết hiện chưa có qui định cụ thể để quản lí các phương tiện trên (ví dụ ô tô có Nghị đinh 86) trong khi đó xe 2 bánh khi kinh doanh có thể anh hưởng đến hành khách, người tham gia giao thông khác.

"Tuy nhiên, để quản lí cần có lộ trình cũng như sự chuẩn bị", TS Minh nói.

Ông Minh cũng đưa ra ví dụ vì nước ngoài quản lí xe máy tương đối chặt chẽ khi cấp phù hiệu, giấy phép, quản lí điểm đỗ, đóng thuế, thương hiệu cũng như kĩ năng lái xe an toàn..; và hành khách có thể phản hồi thông tin.

Theo dự thảo của Sở GTVT Hà Nội, việc qui định như trên nhằm tăng cường một bước quản lí nhà nước đối với các loại xe thô sơ, xe gắn máy và xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Cụ thể là quản lí số lượng, chất lượng nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm; nhằm xây dựng nếp sống, thói quen đi lại văn minh, hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân...

Mẫu đơn đăng kí, giấy đăng kí cho người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Minh Hiền (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng nếu tài xế xe ôm có thẻ hành khách sẽ tin tưởng hơn.

"Bây giờ, bất kì ai cũng mua được đồng phục của các hãng xe ôm công nghệ. Do đó, có thẻ, chúng tôi có thể yên tâm hơn khi đi xe bởi ít nhất cũng biết được tài xế là ai", chị Hiền nói.

FILE_20190821_153305_vbdi_7217_TTr-SGTVT-22

Mẫu thẻ hành nghề do Sở GTVT Hà Nội đưa ra.

"Tôi thấy việc cấp thẻ hợp lí bởi người dân cũng rất muốn biết người chở mình là ai, có phải xe ôm thật sự hay trấn lột, cướp giật. Trong khi đó, xe ôm công nghệ giờ cũng rất lộn xộn, thật giả lẫn lộn", anh Nguyễn Đức Quân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.