Tài xế xe ôm ở Hà Nội sắp phải đeo thẻ hành nghề ở ngực trái

Dự thảo qui định từ ngày 1/1/2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn TP Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

DSC06319

Theo thống kê, Hà Nội đang có khoảng 5,2 triệu xe máy. (Ảnh: Di Linh).

Xe ôm cần đeo thẻ hành nghề ở ngực trái

Ngày 14/8, Sở GTVT Hà Nội có tờ trình UBND TP dự thảo "Qui định về quản lí sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội". Dự thảo này có một số nội dung đáng chú ý.

Cụ thể, dự thảo qui định người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ phải đủ 15 tuổi trở lên, có sức khỏe bảo đảm điều khiến xe an toàn; hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ; đăng kí với UBND phường, xã, thị trấn để được cấp biển hiệu hoạt động (thẻ hoạt động vận chuyển).

Người hành nghề khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ gồm Giấy chứng nhận đăng kí xe, Giấy chứng minh nhân dân.

Với người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, dự thảo qui định phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển; trang bị mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật cho hành khách đi xe.

Khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ gồm Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe mô tô hai bánh); Giấy chứng nhận bảo hiểm.

IMG_5840

Người vận chuyển hành khách sẽ phải đeo thẻ? (Ảnh: Di Linh).

Dự thảo cũng qui định từ ngày 1/1/2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn TP Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái.

Ngoài ra, nếu nghỉ không hành nghề từ 30 ngày trở lên thì người hành nghề phải gửi lại biển hiệu cho đơn vị quản lí.

Nếu mất phải làm đơn trình báo mất có xác nhận của công an cấp xã, phường, thị trấn và báo cáo cho đơn vị quản lí biết để được hướng dẫn cấp lại biển hiệu.

IMG_5852

Vận chuyển hàng hóa cũng cần thẻ hành nghề. (Ảnh: Di Linh).

Tài xế nói gì?

Liên quan đến việc người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa phải có biển hiệu gắn trên áo, chúng tôi đã có trao đổi với một số tài xế xe ôm.

Cụ thể, anh Nguyễn Công Tuấn (Nam Định), một tài xế xe ôm công nghệ cho rằng việc thêm "thẻ hành nghề" cũng có thể giúp hành khách tin tưởng.

"Tôi cho rằng việc đăng kí, có "thẻ hành nghề" được cấp bởi cơ quan chức năng sẽ giúp hành khách tin tưởng tài xế hơn.

Tuy nhiên, tôi hi vọng việc cấp không quá phức tạp", anh Tuấn nói.

Anh Dương Đức Anh (Hà Nam), một tài xế xe ôm cho rằng khi hành nghề, tất cả các giấy tờ theo qui định đều có đủ.

"Tôi được biết trong TP HCM từng có đưa ra việc cấp thẻ hành nghề cho xe ôm. Tôi hi vọng việc cấp thẻ hành nghề, qui định điểm đỗ cho xe ôm sẽ giúp chúng tôi hoạt động tốt hơn", anh Dương Đức Anh nói.

Theo anh Đức Anh, hiện các tài xế xe ôm công nghệ và truyền thống thường xuyên xảy ra xung đột tại một số điểm đón khách.

"Có thẻ hành nghề không rõ chúng tôi có được đảm bảo an toàn?", anh Đức Anh đặt câu hỏi.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông cho biết năm 2011, TP HCM có qui đinh về việc cấp thẻ hành nghề cho tài xế.

"Hiện cá nhân tôi chưa rõ việc cấp thẻ hành nghề tại TP HCM như thế nào. Việc cấp thẻ hành nghề để quản lí cũng như nâng cao chất lượng vận tải là điều tốt nhưng cơ quan quản lí trước mắt cần thống kê tài xế để có giải pháp cấp cho phù hợp", vị này nói.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.