Báo lỗ 300 tỉ đồng, VETC lo phá sản vì dự án thu phí BOT tự động

VETC đề nghị dừng thự hiện Hợp đồng dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 trước nguy cơ phá sản.

Ngày 23/10, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã có văn bản gửi Bộ trưởng GTVT đề xuất dừng thực hiện Hợp đồng dự án thu phí không dừng giai đoạn 1.

Ông Phạm Văn Lượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VETC cho biết, Dự án bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014, đến nay đã 5 năm thực hiện. Tổng mức đầu tư (điều chỉnh vào tháng 1/2019) là 2.030 tỉ đồng. Phạm vi dự án bao gồm 44 trạm BOT.

Trong đó đã đầu tư và vận hành thu phí không dừng 23/27 trạm (do Công ty VETC đầu tư trong 4 trạm còn lại có 2 trạm dang dừng thu phí, 2 trạm Công ty VETC đang thực hiện đầu tư).

Đã kết nối vận hành thu phí 4/17 trạm (do Nhà đầu tư BOT đầu tư; trong 4 trạm đã kết nối vận hành thì có 3 trạm của Nhà đầu tư Tasco). Giá trị đầu tư đã thực hiện khoảng 1.300 tỉ đồng.

IMG_5324

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Loạt trạm BOT chưa kí hợp đồng dịch vụ

VETC cho biết, ngày 4/7/2019, do việc triển khai Dự án quá chậm và kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền để duy trì vận hành Dự án, đơn vị này đã có văn bản đề xuất với Bộ GTVT chẩm dứt Hợp đồng Dự án nếu các khó khăn không được tháo gỡ trước 31/7/2019.

Đến ngày 13/8/2019, Bộ GTVT đã họp thống nhất về lộ trình kí kết hợp đồng dịch vụ. Cụ thể, sẽ hoàn thành đàm phán, kí kết hợp đồng dịch vụ trước 30/8/2019, riêng VEC và VIDIFI hoàn thành trước 1/10/2019.

"Tuy nhiên, kết quả triền khai không đạt được tiến độ và mục tiêu đã đề ra (rất chậm và kéo dài) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và vận hành Dự án", VETC cho biết.

Đến nay, Công ty VETC mới có 11/44 trạm kí được phụ lục hợp đồng/hợp đồng dịch vụ. Còn lại 33 trạm chưa kí được phụ lục hợp đồng/hợp đồng.

Nguyên nhân 33 trạm chưa kí được là do Nhà đầu tư BOT chưa đồng ý mức trích bao gồm 5 trạm cùa VEC (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành); 3 trạm của VIDIFI (Như Quỳnh, Hồng Bàng và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng); 2 trạm của Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai 1, Đức Long Gia Lai 2), Bắc Ninh, Bắc Bình Định, cần Thơ - Phụng Hiệp.

Có 4 trạm Nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ Ngân hàng tài trợ vốn bao gồm Nam Bình Định, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận. Tuy nhiên, tính từ khi đàm phán đến nay đã hơn 2 tháng nhưng VETC chưa nhận được ý kiến phản hồi.

Có 2 trạm Nhà đầu tư BOT chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng bao gồm Tư Nghĩa, Phước Tượng.

Có 3 trạm Nhà đầu tư BOT đã đồng ý về mức trích, nhưng chờ ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm Phú Bài, An Sương - An Lạc, Mỹ Lộc.

Bên cạnh đó có 6 trạm Nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích nhưng xin trả chậm 1 phần cho đến khi được tăng giá vé theo đúng phương án tài chính của dự án BOT gồm Hoàng Mai, Bến Thủy 1, Bến Thủy 2, Quán Hàu, Đông Hà, Tam Kỳ.

Có 1 trạm Nhà đầu tu BOT đang chờ kí Phụ lục BOT để điều chỉnh mức trích, thời điểm trích doanh thu là Pháp Vân - Cầu Giẽ.

1 trạm Nhà đầu tư BOT đang xin ý kiến Bộ GTVT về mức trích do thời gian thu phí chỉ còn đến tháng 9/2020 là cầu Đồng Nai.

3 trạm đang tạm dừng thu phí bao gồm Tào Xuyên, Cai Lậy - Tiền Giang, Tân Đệ.

"Như vậy, trên cơ sở kết quả về việc đàm phán kí phụ lục hợp đồng/hợp đồng dịch vụ với các nhà đầu tư BOT như trên chưa đảm bảo được tiến độ.

Điều này trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và đặc biệt là sự mong đợi của người dân", VETC cho biết.

Về nguyên nhân chậm tiến độ đầu tư, vận hành thu phí không dừng, VETC cho biết là do một số nhà đầu tư có trạm ở cửa ngõ các thành phố như Hà Nội, TP HCM chưa triển khai đầu tư hệ thống thu phí không dừng để kết nối với trung tâm dữ liệu của VETC, đặc biệt là các trạm cao tốc.

Một số nhà đầu tư BOT chưa kí hợp đồng dịch vụ với rất nhiều lí do; có nhà đầu tư không bàn giao làn thu phí; chậm bàn giao công tác tổ chức thu phí; không trả phí dịch vụ cho VETC dù đã hoàn thành đầu tư...

VETC lỗ nặng, đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro

Cũng liên quan đến dự án, VETC cho biết lỗ lũy kế dự án đến tháng 30/9/2019 là 300 tỉ đồng (do tỉ lệ thu phí ETC thấp, thực tế chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch).

Đến nay, Nhà đầu tư Tasco đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ lũy kế để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành.

Theo VETC, nếu hết năm 2020 triển khai xong 44 trạm (bao gồm dự kiến 31/12/2019 trích doanh thu 36 trạm, tháng 8/2020 trích doanh thu các trạm của VEC và VIDIFI) thì đơn vị này lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 500 tỉ đồng.

Nếu hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm mà chưa triển khai được các trạm của VEC và VIDIFI thì VETC lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 580 tỉ.

"Như vậy, đến hết năm 2020, ngoài vốn chủ sở hữu tham gia dự án là 270 tỉ, Tasco còn phải bổ sung thêm để bù lỗ vận hành 580 tỉ.

Các cổ đông không đồng thuận việc tiếp tục đầu tư, cung cấp vốn cho dự án đồng thời có nhiều ý kiến về việc dự án trải qua 5 năm không nhận được cổ tức mà liên tục đầu tư thêm vốn đề bù đắp dòng tiền do lỗ vận hành", VETC thông tin.

VETC cũng cho biết nếu các vấn đề trên không được giải quyết dứt điểm thì công ty này có nguy cơ phá sản.

Với các lí do trên, VETC cũng đề xuất Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai.

Trường hợp "buộc phải tiếp tục" dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt.

Ngày 22/7, tại cuộc họp với các địa phương về tình hình đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các đơn vị liên quan quyết liệt triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

"Bộ trưởng GTVT và Chủ tịch các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về vấn đề thu phí không dừng, trong năm nay phải kết thúc việc này.

Không thực hiện thu phí không dừng thì không cho trạm BOT thu phí nữa", Thủ tướng chỉ đạo.

Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 849/CĐ-TTg đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Công điện nêu rõ việc tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng theo đúng qui định.

"Yêu cầu nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/3/2018", Công điện nêu.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Bộ GTVT sau khi hoàn thành chuyển sang thu phí tự động không dừng đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc (chậm nhất ngày 31/12/2019), khẩn trương rà soát, đánh giá và có báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1 năm 2020.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.