Bộ trưởng GTVT nói về xe không dán thẻ thu phí tự động: 5 hay 10km cũng phải xếp hàng ở làn thủ công

Bộ trưởng GTVT cho biết sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một số chỉ thị, chỉ đạo để đến cuối năm 2019 tất cả phương tiện chưa dán thẻ hoặc chưa nộp tiền phải đi vào làn thủ công. Và lúc đó là 5 hay 10km cũng phải xếp hàng vì không được quyền đi vào làn thu phí tự động.

Bộ trưởng GTVT nói về xe không dán thẻ thu phí tự động: 5 hay 10km cũng phải xếp hàng ở làn thủ công - Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Quốc hội).

Đấu thầu rộng rãi thực hiện thu phí tự động không dừng

Ngày 5/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, nhiều đại biểu đã quan tâm đến vấn đề thu phí tự động không dừng. Đây được cho là công cụ nhằm minh bạch BOT giao thông.

"Về thu phí không dừng, vì sao đến thời điểm này mới đạt được khoảng 30%, do không cương quyết hay do thỏa thuận nào khác?", đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn.

Trả lời cử tri, Bộ trưởng GTVT cho biết đối với thu phí tự động không dừng, hiện nay đơn vị đang bám sát vào Quyết định 07 của Chính phủ.

"Trong đó hạn cuối cùng là 31/12/2019, tất cả các trạm thu phí hiện nay phải thu phí tự động không dừng", ông Thể nói.

Về tiến độ, ông Thể cho biết thu phí tự động không dừng chia làm 2 dự án.

"Dự án đầu tiên đã thực hiện được khoảng 28 trạm thu phí. Còn 15 trạm thu phí của giai đoạn 1, hiện nay nhà đầu tư đang triển khai.

Giai đoạn 2, chúng tôi tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi từ năm 2018 qua đầu 2019 và Bộ GTVT đã thống nhất để Tổng cục Đường bộ giao cho Viettel cùng với Ngân hàng Vietinbank.

Hai đơn vị này hiện nay đã khảo sát toàn bộ 33 trạm thu phí của giai đoạn 2 và theo cam kết của các nhà đầu tư thì sẽ hoàn thành dự án này trong tháng 12/2019.

Về tiến độ, giai đoạn một là tương đối, còn 15 trạm. Giai đoạn 2 là 33 trạm nhưng giai đoạn 2, Viettel đã có hạ tầng viễn thông rộng khắp cả nước.

Do đó, chỉ cần mua thiết bị lắp và có thể đẩy nhanh được tiến độ. Chúng tôi cố gắng bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện", ông Thể thông tin.

Bộ trưởng GTVT nói về xe không dán thẻ thu phí tự động: 5 hay 10km cũng phải xếp hàng ở làn thủ công - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Phương tiện phải xếp hàng đi vào làn thủ công

Cũng về thu phí tự động không dừng, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) nêu thực trang hiện nay số chủ xe ô tô đồng ý mở tài khoản và dán thẻ thu phí còn ở mức khiêm tốn, điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của chủ trương này.

"Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết vấn đề trên?", đại biểu Nguyệt nói.

Đối với ý kiến của đại biểu Nguyệt, ông Thể thừa nhận hiện nay có bất cập là việc dán thẻ và nộp tiền vào thẻ để sử dụng còn hạn chế.

"Đây là nguyên nhân do chúng ta chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống nên các trạm thu phí mặc dù có làn thu phí không dừng nhưng vẫn thu phí thủ công.

Ngoài ra, hiện nay có tâm lí thu phí tự động cũng được hoặc thủ công cũng được. Do đó tâm lí lái xe mặc dù dán thẻ cũng có thể không nộp tiền mà đi theo phương thức thủ công.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa khép kín toàn bộ các trạm trên toàn quốc về dán thẻ nên số lượng doanh thu từ làn thu phí không dừng không cao, do đó có tâm lí chậm", Bộ trưởng Thể lí giải.

Về giải pháp, ông Thể cho biết sắp tới sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một số chỉ thị, chỉ đạo để đến cuối năm 2019 tất cả phương tiện chưa dán thẻ hoặc chưa nộp tiền phải đi vào làn thủ công.

"Chúng tôi đã bố trí mỗi trạm khoảng 2 làn thủ công, nếu phương tiện nào không chấp hành sẽ xếp hàng. Và lúc đó là 5 hay 10km cũng phải xếp hàng vì không được quyền đi vào làn thu phí tự động, tạo điều kiện cho lái xe dán thẻ.

Ngoài ra, để nộp tiền thuận lợi, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước. Rất mong Ngân hàng Nhà nước ủng hộ liên thông tài khoản của thẻ cho người sử dụng thẻ thuận lợi hơn", ông Thể thông tin.

Bộ trưởng GTVT nói về xe không dán thẻ thu phí tự động: 5 hay 10km cũng phải xếp hàng ở làn thủ công - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Nhiều địa phương tự triển khai thu phí tự động không dừng

Được biết, tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu đối với các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, chậm nhất đến ngày 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Đối với các trạm còn lại trên toàn quốc, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Ngoài ra, tại Nghị Quyết số 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chỉ đạo, từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.

Hiện nay, trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc (82 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).

Trong đó, Bộ GTVT quản lí 74 trạm (65 trạm trên các tuyến quốc lộ và 9 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc); UBND các tỉnh quản lý 19 trạm (17 trạm trên các tuyến quốc lộ và 02 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).

Đối với các trạm do địa phương quản lí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất với Sở GTVT các tỉnh, thành phố có trạm thu phí do địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.

"Để hỗ trợ các địa phương triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã góp ý về hồ sơ thiết kế, dự toán đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng trên các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đến thời điểm hiện tại, có 6/14 địa phương có trạm thu phí đã tham gia vào dự án thu phí tự động do Bộ GTVT quản lí và đã hoàn thành việc lắp đặt và vận hành thu phí không dừng; 8/14 địa phương đang nghiên cứu để tự triển khai thực hiện, sau khi hoàn thành sẽ kết nối vào dự án do Bộ GTVT quản lí để đảm bảo tính kết nối liên thông", Bộ trưởng GTVT cho biết thêm.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.