Báo Nhật: Hiệp định EVFTA Việt Nam - EU tốt cho các tập đoàn đa quốc gia, Uniqlo hưởng lợi đầu tiên

Thoả thuận thương mại cũng là một tín hiệu tốt cho các tập đoàn đa quốc gia bên ngoài châu Âu. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản, công ty may mặc thời trang nhanh Uniqlo cũng nhập khẩu nguồn hàng hoá tại Việt Nam, hãng tin Nikkei Asian Review của Nhật Bản nhận xét.

Sáng 8/6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (viết tắt: EVFTA). Một động thái được kì vọng sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư mới cho các nhà sản xuất muốn rời Trung Quốc.

Thoả thuận đã nhất trí thông qua với 94% số phiếu ủng hộ, sau khi được phê chuẩn và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Việt Nam trở thành nước thứ hai sau Singapore trong khối ASEAN kí Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

Sau khi thoả thuận có hiệu lực, 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế. 65% các lô hàng của EU đến Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi này.

Các mức thuế còn lại lên tới 99% sẽ được loại bỏ dần sau 10 năm đối với hàng hoá EU nhập khẩu vào Việt Nam và sau 7 năm đối với hàng hoá Việt Nam xuất sang thị trường EU.

Báo Nhật: Hiệp định EVFTA Việt Nam - EU mở đường cho các doanh nghiệp muốn rời Trung Quốc - Ảnh 1.

Dệt may là lĩnh vưc dự kiến được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA được kí kết. (Ảnh: Reuters).

Với khoảng 96 triệu người, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. 

GDP bình quân đầu người ước tính đạt 3.500 USD trong năm 2019, vượt qua mức chuẩn 3.000 USD mà tại đó nhu cầu sở hữu xe hơi và các thiết bị có xu hướng tăng mạnh.

Trước đó, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ chương trình thuế quan ưu đãi của EU. Với thoả thuận thương mại này, chắc chắn EU sẽ trở thành người mua hàng lớn hơn của Việt Nam, so với mức chỉ 15% như hiện nay.

Đặc biệt, dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ sẽ đến từ hàng may mặc và giày dép, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 

Hiện Việt Nam đang xếp thứ 3 trong danh sách các nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh.

Các công ty dệt may Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng xâm chiếm thị trường châu Âu. Sau khi thoả thuận có hiệu lực, khối EU sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 77,3% xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sau 5 năm, và 22,7% còn lại sau 7 năm.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam cho biết hợp đồng của họ đối với các đối tác ở châu Âu và ở Mỹ đã bị huỷ bỏ, trì hoãn hoặc cắt giảm.

70% thành viên trong Hiệp hội dệt may Việt Nam nói rằng họ đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, và phải cắt giảm lao động trong tháng 3 và tháng 4.

Niềm tin đang gia tăng rằng thoả thuận thương mại sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam. Trong năm nay Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 34 tỉ USD hàng may mặc, giảm từ 39 tỉ USD trong năm ngoái.

Thoả thuận thương mại cũng là một tín hiệu tốt cho các tập đoàn đa quốc gia bên ngoài châu Âu. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản, công ty may mặc thời trang nhanh Uniqlo cũng nhập khẩu nguồn hàng hoá tại Việt Nam.

Trong khi các nhà sản xuất phụ tùng ô tô và máy móc linh kiện tại Việt Nam tìm cách tăng lượng xuất khẩu sang EU.

Xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2019 ước đạt 42 tỉ USD, trong khi đó hàng hoá EU xuất sang Việt Nam trị giá 15 tỉ USD, theo dữ liệu từ Bộ Công thương.

Báo Nhật: Hiệp định EVFTA Việt Nam - EU mở đường cho các doanh nghiệp muốn rời Trung Quốc - Ảnh 2.

Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU. (Đồ hoạ: Nikkei).

Việt Nam hi vọng rất nhiều vào Hiệp định thương mại tự do lần này. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến doanh thu xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 42,7% vào năm 2025, và 44,37% vào năm 2030 so với kịch bản không kí kết thoả thuận.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ giúp tăng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 2,4% và tăng xuất khẩu lên 12% trong năm 2030. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, thoả thuận này sẽ thu hẹp tỉ lệ nghèo đói ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, EVFTA sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phục hồi trở lại sau khi các hoạt động sản xuất bị tạm ngưng trước tác động của đại dịch Covid - 19.

Về phía châu Âu, Hiệp định với Việt Nam sẽ giúp các sản phẩm của khối như máy bay, ô tô tiếp cận nhiều hơn với một thị trường tiêu dùng hấp dẫn, nhiều tiềm năng.

Trong khi đó, hậu Brexit, đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết hai nước đang làm việc với nhau để đạt được một thoả thuận song phương tương tự, và hi vọng có thể kí kết vào cuối năm nay.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do với rất nhiều đối tác khác nhau trên thế giới, trong cái gọi là "Đối tác kinh tế toàn diện". Bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Việt Nam cũng đang tìm kiếm một thoả thuận thương mại với Israel. Các doanh nghiệp trong nước cũng đang thúc giục Chính phủ đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Mỹ càng sớm càng tốt.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.