Ngày 28/6, tại TP HCM, Chuyên trang Đầu tư Bất động sản CafeLand tổ chức hội thảo “Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022” nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh về bối cảnh kinh tế vĩ mô, chính sách tác động lên thị trường bất động sản trong nước hiện nay và gợi mở cơ hội đầu tư.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam tuy có độ mở cao song thực lực chưa mạnh. Hiện giá bất động sản nhiều nơi đang ở mức quá cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu tràn lan...; dòng vốn đổ vào bất động sản quá lớn khiến nhiều nơi xuất hiện tình trạng bong bóng...
Các chuyên gia bất động sản giao lưu, trả lời câu hỏi từ đại biểu doanh nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản cuối tháng 4/2022 lên tới 2,29 triệu tỷ đồng, tăng tới 10,19% so với đầu năm và chiếm 20,44% tổng tín dụng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều hành của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đang thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt hành động; phát huy năng lực kiểm soát ổn định vĩ mô và lạm phát.
Cụ thể, Chính phủ đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, siết lại việc huy động vốn bằng trái phiếu của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản để hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường này.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu kiểm soát tốt tình hình, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam trỗi dậy và bức phá. Các tổ chức dự báo quốc tế đều dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023 tích cực lên theo thời gian trong khi dự báo kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở Tập đoàn CBRE Việt Nam cho biết, triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam lạc quan ở nhiều phân khúc.
Cụ thể ở phân khúc căn hộ, thị trường đang sôi động trong quý II/2022 giúp nguồn cung mới phục hồi và đạt gần 13.000 căn. Tổng nguồn cung mới trong nửa đầu năm 2022 gần bằng nguồn cung mới cả năm 2021.
Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường nhà phố, biệt thự cũng cải thiện theo các khu đô thị mới. Giá bất động sản liền thổ tăng mạnh khi các dự án mới xác lập mức giá kỷ lục.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở Công ty CBRE Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TTXVN).
Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới ở loại hình bất động sản này là mô hình biệt thự du lịch đang tăng trở lại tại nhiều khu vực các thành phố biển sau hai năm ảnh hưởng vì dịch. Nhiều dự án nghỉ dưỡng có thương hiệu sẽ chính thức được ra mắt trong năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), vướng mắc lớn nhất của thị trường hiện nay là thể chế pháp luật. Hiện người mua bất động sản đang gặp khó trong tiếp cận vốn vay, nhất là vay mua nhà xã hội chỉ có thể tiếp cận từ ngân hàng chính sách.
Việc khó tiếp cận vốn vay mua nhà xã hội khiến nhiều người mua loại hình nhà ở này phải vay thương mại.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, Chính phủ vừa giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ, bao gồm gói 15.000 tỷ hỗ trợ cho nhà ở xã hội. Nếu không giải quyết tốt nguồn vốn mồi này sẽ không phát huy được hiệu quả.
Do đó, HoREA đề xuất, cần xem xét sửa đổi Luật đất đai, nhà ở để tạo ra hành lang pháp lý. Việc tháo gỡ chính sách pháp luật sẽ giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững, dòng tiền luân chuyển được trong nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Ngoài ra, để đa dạng nguồn cung, Việt Nam cần tập trung giải quyết bài toán nhà ở cho số đông người dân; tạo điều kiện cho những người yếu thế tiếp cận được nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển phân khúc bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô, các chuyên gia cho rằng, đối với Việt Nam, khả năng lạm phát không cao như nhiều người quan ngại. Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn để khơi thông dòng tiền cho nền kinh tế.
Do đó, thị trường bất động sản sẽ có sự thanh lọc mạnh mẻ. Những doanh nghiệp tốt vẫn sẽ phát triển, vượt qua giai đoạn khó khăn vươn lên.