Kiểm soát cho vay mua, kinh doanh bất động sản

Theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc Thông tư số 39 ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam, việc cho vay để mua, kinh doanh bất động sản, các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn… sẽ được kiểm soát.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Một trong các nội dung đáng chú ý là bổ sung điểm h khoản 2 Điều 22 như sau:

“h) Kiểm soát việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh bất động sản; cho vay cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn theo xác định của tổ chức tín dụng”.

Nội dung trên ngay lập tức thu hút nhiều ý kiến trái chiều của các nhà đầu tư và những người đang, sẽ có nhu cầu vay mua bất động sản trong tương lai.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định kiểm soát cho vay mua, kinh doanh bất động sản. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Nhận định về nội dung này tại văn bản góp ý mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, việc NHNN chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, vừa phục vụ công tác quản lý của chính tổ chức tín dụng, vừa phục vụ công tác quản lý nghiệp vụ, quản lý ngành của NHNN.

Tuy nhiên, văn bản dùng từ “kiểm soát” việc cho vay mua, kinh doanh bất động sản và cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn, đã dẫn đến luồng dư luận cho là NHNN định hướng thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả cho vay để mua bất động sản cao cấp.

"Điều này có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng “ngại” hoặc “không dám” cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở, hoặc vay để xây nhà, sửa chữa nhà. Từ đó các động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản", Hiệp hội nhận định.

Do đó, HoREA kiến nghị thay thế từ “kiểm soát” bằng từ “quản lý” hoặc cụm từ “tăng cường quản lý” và NHNN cần quy định “khoản vay có giá trị lớn” để thuận tiện cho công tác thống kê và quản lý. Cụ thể như sau:

“h) Quản lý (hoặc Tăng cường quản lý) việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh bất động sản; cho vay cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có giá trị lớn (từ … đồng đối với khoản vay của cá nhân, hộ gia đình; từ … đồng đối với khoản vay của tổ chức)”.

Thời gian qua, nhiều thông tin cho rằng các ngân hàng đang có động thái thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, đơn cử như việc một số ngân hàng đã tạm ngừng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đến hết ngày 30/6. Đã có không ít ý kiến bày tỏ lo lắng rằng chính sách thắt chặt này sẽ có những tác động tới thị trường bất động sản như làm giảm nguồn cung, tăng giá bán.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vào chiều 4/6, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ trước tới nay, quan điểm của NHNN vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản. Đối tượng được kiểm soát chặt chẽ là những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá. 

Tuy nhiên, tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong Nghị định 31 và Thông tư 03 của NHNN hướng dẫn dành 2% lãi suất để thực hiện dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ. 

"Điều đó chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ", Phó thống đốc NHNN nói.

chọn
Mời đầu tư 4 khu đô thị 22.000 tỷ ở Cam Lâm
Tỉnh Khánh Hòa sẽ bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho 4 khu đô thị trên địa bàn huyện Cam Lâm vào tháng 12/2024.