Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản trong nửa đầu năm không cao hơn những năm trước

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản, đặc biệt là bất động sản có tính chất kinh doanh vào những dự án lớn không cao hơn những năm trước mặc dù các ngành khác vẫn tăng đồng đều.

Chiều nay (18/6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức buổi Họp báo Thông tin kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và cho biết đã tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của NHNN, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021: giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng 56,52% và 111,62%; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Đối với tái cơ cấu hệ thống các TCTD, hoạt động tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực. Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Đối với việc triển khai gói 40.000 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong tổng Chương trình phục hồi nền kinh tế, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, câu chuyện 40.000 tỷ đồng đã được khởi động triển khai, các ngân hàng thương mại đã xây dựng quy chế nội bộ và làm rất chặt chẽ, công khai minh bạch.  

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV).

Bên cạnh đó, trong điều hành tín dụng, NHNN cho biết định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Phó Thống đốc NHNN đánh giá, "Nó đã phản ánh nền kinh tế rất sôi nổi, nhu cầu vốn tăng rất cao, nhưng đặc biệt tăng đồng đều ở mọi lĩnh vực, những lĩnh vực khó khăn thì lại tăng nhanh hơn, đây là một điều rất mừng".

"Riêng lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực trái phiếu, những lĩnh vực có thể nói là tỷ lệ rủi ro cao như chứng khoán, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực này không cao hơn những năm trước. Thậm chí là một số lĩnh vực, cũng bất động sản nhưng bất động sản vào người tiêu dùng, tự kinh doanh, tự sử dụng thì lại còn tăng nhanh hơn rất nhiều so với việc tăng của tín dụng bất động sản có tính chất kinh doanh vào những dự án lớn", ông Tú cho biết. 

Phó Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh, ngành ngân hàng kiểm soát rủi ro của những dòng vốn tín dụng chảy vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro hay có tỷ lệ rủi ro cao, chính vì thế, thường đặt ra những chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động nhưng ở những phân khúc có tính chất dự án lớn, có tính chất đầu cơ, thậm chí lũng đoạn giá thì kiểm soát rất chặt chẽ để đảm bảo không để cho giá cả làm nóng thị trường bất động sản.

Còn những lĩnh vực cần có sự ưu tiên như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người nghèo, những chương trình hỗ trợ vẫn đang được triển khai. Thậm chí nhà ở cho công nhân, nhà xây lại những chung cư cũ, thậm chí đối với nhà đầu tư cho các đối tượng này còn được hỗ trợ 2% lãi suất. 

Theo ông Tú, thời điểm này là cơ hội để các ngân hàng thương mại cơ cấu lại dư nợ, đảm bảo chất lượng tín dụng một cách tốt hơn. 

Thời gian tới, đại diện NHNN cho biết theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường...

Đối với vấn đề các tổ chức tín dụng gần đây khó bán nợ, bán tài sản ngân hàng, bán chậm, phải hạ giá nhiều lần, đại diện NHNN cho biết, thị trường bất động sản cuối năm 2021 - đầu năm 2022 giá cao nhưng ít người mua. Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nên một số khách sạn không kinh doanh được, phải bán.

Mặc dù gần đây, du lịch nội địa tăng trưởng nhanh, khách nước ngoài cũng đã vào nhưng vẫn chưa phải nhiều, khách Nga vẫn chưa vào nhiều, khách Trung Quốc vẫn chưa sang. Do đó, một số doanh nghiệp không kinh doanh được trong 2 năm buộc phải bán tài sản, nợ xấu của ngân hàng phải thu lại để bán nhưng không bán được, khi hạ giá xuống rồi nhưng nhu cầu của khách hàng vẫn chưa mua, một số các dự án bất động sản giá cao mà không có cầu nên vẫn chưa bán được, phải hạ giá xuống mức người ta mua được và đang rất khó bán trong thời điểm hiện nay. 

chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.