Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nguồn cầu lớn sẽ hướng về các khu công nghiệp tại Việt Nam khi nhiều nhà sản xuất đang tìm cách giảm thiểu rủi ro cũng như giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia.
Nhiều dự báo cũng cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt sau thông tin một tập đoàn Australia có kế hoạch rót 350 triệu USD vào ngành logistics của đất nước hình chữ S.
"Hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều dự án FDI và Việt Nam phần nào được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung.
Việt Nam cùng với Malaysia, Indonesia ở khu vực Đông Nam Á và Mexico ở châu Mỹ rất may nằm trong xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc của Mỹ", ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Jll Việt Nam cho biết tại hội thảo "Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kì mới", do BizLIVE tổ chức ngày 29/8.
Giám đốc Jll Việt Nam cũng phân tích thêm, khi dịch chuyển đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ muốn tìm đến thị trường tương đồng. Nhiều doanh nghiệp muốn tìm hiểu để dịch chuyển nhà xưởng.
Tuy nhiên, khi dịch chuyển nhà máy có rất nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến những toan tính của các nhà đầu tư và các ràng buộc khác như hệ thống cung ứng đang ở Trung Quốc, cộng thêm giai đoạn vừa rồi do Covid-19 nên việc sang thăm khảo sát gặp khó khăn.
"Chúng tôi ghi nhận nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nhưng việc kí kết cụ thể chưa nhiều. Chúng tôi hi vọng sau khi Covid-19 được kiểm soát, hoạt động này sẽ được đẩy mạnh hơn", Giám đốc Jll Việt Nam chia sẻ.
Theo các chuyên gia, trung bình một dự án mất ba năm để làm thủ tục, thậm chí có những dự án phải mất đến 4-5 năm. Tương tự, các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng phải mất 2-3 năm cho các thủ tục.
Ông Đặng Văn Quang lưu ý, "sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế có nhưng họ lại gặp những rào cản từ luật, người thực thi luật và các văn bản dưới luật.
Chính phủ Ấn Độ đã chi khoảng 30 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển về quốc gia này. Trong khi đó, nếu Việt Nam không nhanh sẽ mất cơ hội như Thủ tướng đã nói dọn tổ cho đại bàng nhưng nếu không nhanh đại bàng sẽ bay mất".
Mặc khác, quĩ đất cho phát triển khu công nghiệp của Việt Nam khá hạn hẹp. Giám đốc Jll Việt Nam ví dụ, nếu muốn mở rộng các khu công nghiệp như Bắc Ninh phải mất 10 năm mới hoàn thành thủ tục hạ tầng cho thuê.
"Quĩ đất cho phát triển khu công nghiệp đã hạn chế nhất, quĩ đất có hạ tầng giao thông tốt lại càng hạn chế hơn. Theo tôi, Việt Nam không nhất thiết đón những doanh nghiệp hàng đầu, hãy đón những doanh nghiệp phù hợp với mình và "liệu cơm gắp mắm"", Giám đốc Jll Việt Nam kết luận.
Trước đó, các chuyên gia cũng như các đơn vị phát triển thị trường cũng đã lưu ý về vấn đề quĩ đất cho khu công nghiệp, nhất là các tỉnh miền Nam Việt Nam. Tỉ lệ lấp đầy tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng,… đã tăng đáng kể từ năm 2018.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này đã ráo riết mở rộng quĩ đất như trường hợp của Viglacera có kế hoạch tham gia đấu thầu làm chủ đầu tư nhiều khu công nghiệp, tổng qui mô trên 2.000 ha, hay Nam Tâm Uyên cũng dự định vay vốn để triển khai dự án,…
Trên cơ sở này, chuyên gia CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSD) nhận định, lợi thế sẽ nghiêng về những doanh nghiệp nắm sẵn quĩ đất trong tay và tình thế sẽ chật vật hơn ở phía ngược lại.