Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam năm 2025 diễn ra hôm na (8/11), ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) đã chia sẻ về tình hình thị trường bất động sản hiện nay.
Ông Đính cho biết, do những vướng mắc, khó khăn về thể chế chính sách và về nguồn vốn mà hai năm qua thị trường BĐS Việt Nam gần như tê liệt. Sức khỏe của các doanh nghiệp, sức khỏe của nhà đầu tư có vấn đề, thị trường gần như không có giao dịch. Hàng triệu lao động mất việc cũng vì liên quan đến BĐS.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cũng đã nắm được những vấn đề nói trên và đã thúc đẩy quá trình cải cách thể chế. Đặc biệt, vừa rồi có 4 luật rất quan trọng đã được Quốc hội thông qua gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Qua đó, thị trường dần lấy lại được niềm tin và dấu hiệu khởi sắc trong thời gian gần đây.
"Thời gian gần đây, chúng ta cũng đã nghe thấy thông tin rằng thị trường BĐS đang nóng lên, đang sôi động, đang sốt giá,... Thông tin này hoàn toàn là có thật, rất chuẩn," ông Đính khẳng định.
"Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, đây là thời điểm đang có dấu hiệu của sự hồi phục và đang dần lấy lại các hoạt động của thị trường về cả cung - cầu - giao dịch," Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính lưu ý các nhà đầu tư rằng, thì trường mới chỉ khôi phục lại một phần nhỏ, chứ chưa phải trở về mốc tăng trưởng như nhiều năm trước.
"Chúng tôi ghi nhận trong 3 quý đầu năm 2024 có gần 40.000 sản phẩm được đưa vào thị trường. Về sức hấp thụ, con số mà CBRE đưa ra cũng khá cao, đạt 80 - 90% tỷ lệ hấp thụ của số lượng hàng tung ra. Điều này cho thấy thị trường đang tốt lên.
Tuy nhiên, có một lưu ý tôi muốn nói là con số này nếu so sánh với giai đoạn 2018 - 2019 thì mới chiếm tối đa khoảng 30%. Tức thị trường mới đang khôi phục lại một phần nhỏ, chứ chưa trở lại một cách thực sự như giai đoạn bình thường," ông Đính nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở vị trí một doanh nghiệp BĐS, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó Tổng Giám đốc Gamuda Land cũng cho rằng, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực trong việc ban hành các bộ luật, định chế, chính sách để gỡ vướng cho thị trường BĐS. Bà kỳ vọng các điểm nghẽn trong những năm vừa qua sẽ được khai thông hơn.
Nói về triển vọng thị trường, bà Nguyễn Thị Vân Khanh cho rằng, dòng vốn của người mua nhà đang rất sẵn sàng để tham gia vào thị trường.
"Ở vai trò chủ đầu tư, chúng tôi kỳ vọng vào sức mua của thị trường. Hiện tại, chúng tôi quan sát thấy dòng vốn của người mua nhà đang rất sẵn sàng để tham gia vào thị trường. Bởi, đây là thời điểm tốt nhất khi lãi suất ngân hàng được duy trì ở mức rất ổn định, tạo tiền đề, một luồng vốn rất dồi dào cho người mua nhà.
Theo quan sát, các chủ đầu tư trong 2 - 3 năm vừa qua hầu như rất khó để ra được nguồn cung với pháp lý sạch sẽ để đưa sản phẩm đến cho người mua nhà. 2 - 3 năm qua, phần lớn các chủ đầu tư tập trung vào việc hoàn thiện các hồ sơ pháp lý.
Vì vậy, từ năm 2025 trở đi, có thể nguồn cung tham gia thị trường sẽ tích cực hơn. Chúng tôi dự báo thị trường sẽ được khai thông và sẽ có những khởi sắc nhất định," Phó Tổng Giám đốc Gamuda Land nhận định.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý III/2024 có 23 dự án với quy mô khoảng 11.669 căn được cấp phép xây mới, bằng 121% Quý II/2024 và bằng 153,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Có 55 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với quy mô khoảng 21.374 căn, bằng 110% với Quý II/2024 và bằng 117% so với cùng kỳ năm 2023.
Có 939 dự án đang xây dung với quy mô khoảng 426.158 căn hộ.
Trong quý III có 38.398 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ; 102.966 giao dịch đất nền thành công. Lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng 148,3% so với quý II/2024, bằng 129% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng giao dịch đất nền bằng 82,3% so với quý II/2024 và bằng 112,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Về tín dụng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.274.233 tỷ đồng (tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước).
Trong quý III có khoảng 100 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá hơn 91.000 tỷ đồng, 4 đợt phát hành ra công chúng với trị giá gần 13.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, trái phiếu bất động sản đã phát hành tăng mạnh trong quý, theo đó nhóm bất động sản tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai chiếm khoảng 19%.
Mặc dù vậy, áp lực đáo hạn trái phiếu trong phần còn lại của năm 2024 là khá lớn, ước tính sẽ có khoảng 79.858 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với khoảng 35.137 tỷ đồng, tương đương 44%.
Thị trường 17:26 | 08/11/2024
Thị trường 16:51 | 08/11/2024
Thị trường 16:06 | 08/11/2024
Thị trường 14:35 | 08/11/2024
Thị trường 06:00 | 08/11/2024
Thị trường 17:36 | 07/11/2024
Thị trường 16:24 | 06/11/2024
Quy hoạch 07:00 | 03/11/2024