Chuyên gia: Lo xuất khẩu hụt hơi, đợi các dự án đầu tư công 2025 đẩy nhanh tiền ra nền kinh tế

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐTTH VietnamBiz và Việt Nam Mới tổ chức ngày 8/11, các chuyên gia nhận định trong bối cảnh thị trường quốc tế không quá lạc quan, động lực cho tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 sẽ đến từ các yếu tố nội tại mà nổi bật là đầu tư nhà nước.

Trong đó, chuyên gia nhấn mạnh đến các đại dự án như đường sắt cao tốc Bắc Nam hay các cải cách thể chế rất mới để cải thiện nội lực nền kinh tế, mở ra kỳ vọng tăng trưởng cho những năm tới.

Động lực tăng trưởng GDP 2025 ‘nằm trong tay Chính phủ’

Các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 và dự phòng 2025. (Nguồn: MAS).

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng ADB nhận định rằng trong năm 2024, hai động lực tăng trưởng nổi bật là dòng vốn FDI tiếp tục duy trì xu hướng tích cực và xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, với xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng khả quan một phần do dựa trên nền thấp của 2023. 

Trong khi đó bước sang 2025, xu hướng chung của thị trường thế giới là hạ nhiệt, nên triển vọng tăng trưởng xuất khẩu 2025 có thể không duy trì được kết quả của 2024. Do đó, theo vị chuyên gia này, rất khó để trông chờ xuất khẩu tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng trong năm tới.

 "Đòn bẩy tăng trưởng năm 2025 là chi tiêu công kéo theo tiêu dùng nội địa và đầu tư nội địa", Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. 

Mặt khác, đầu tư tư nhân trong nước cũng đang suy yếu, một phần thể hiện qua tăng trưởng tín dụng khó khăn. Cầu nội địa suy yếu thể hiện qua tiêu dùng chưa thực sự phục hồi. 

“Trong khi đó, đầu tư nhà nước còn nhiều dư địa tăng trưởng. Do đó theo tôi, động lực tăng trưởng năm 2025 sẽ nằm trong tay Chính phủ, cụ thể là việc thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và giải ngân đầu tư công. Điều này có thể kéo theo tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân tăng thêm”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định. 

Cùng chung quan điểm về động lực tăng trưởng 2025 nằm ở các yếu tố nội tại, ông Nguyễn Tú Anh, giám đốc trung tâm phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) chia sẻ thêm rằng năm 2025 còn là ‘năm cuối nhiệm kỳ’, do đó kỳ vọng quyết tâm trong điều hành và tổ chức thực hiện sẽ được đẩy cao hơn nữa, với các cách làm mới và quyết liệt hơn. 

Theo đó, vị chuyên gia kỳ vọng yếu tố sẽ dẫn dắt tăng trưởng năm 2025 là cầu đầu tư, một phần từ đầu tư nhà nước và phần khác là kỳ vọng đầu tư tư nhân cải thiện cùng với sự phục hồi kinh tế.

Trong đó, một yếu tố quan trọng mà ông Tú Anh cho rằng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế năm 2025 cũng như trung và dài hạn, là vấn đề quan điểm mới từ Chính phủ. 

Cụ thể, Việt Nam xưa nay đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, có đôi khi đặt mục tiêu ổn định lên trước mục tiêu tăng trưởng nhưng hiện tại, mục tiêu là tăng trưởng nhanh để ổn định chứ không phải ổn định rồi mới nhanh.  “Mục tiêu lạm phát hiện được điều chỉnh lại kiểm soát trong khoảng 4,5% thay vì dưới 4% như trước đây, tức là chúng ta chấp nhận rủi ro cao hơn. Về ngân sách, xưa nay đặt mục tiêu kiểm soát thâm hụt khoảng 3%, năm tới có thể cao hơn, khoảng 3,7% và giai đoạn 2025-2030 có thể còn cao hơn nữa. Tức là chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn nhưng vẫn đảm bảo cân đối vĩ mô, để đẩy nhanh tăng trưởng, dùng cái nhanh đó để ổn định. Đây là một quan điểm rất mới”, vị chuyên gia nói thêm.

“Một điều đáng tiếc là chúng ta không thiếu tiền, nhưng khi nền kinh tế thiếu vốn thì chúng ta không đưa tiền ra được. Giải ngân đầu tư công chậm, hơn 1 triệu tỷ trong kho bạc Nhà nước vẫn nằm đó. Đó là một điều lãng phí. Có nhiều dự án hàng chục năm chưa xong, đó là lãng phí, và cái lãng phí đó còn hơn cả tham nhũng”. Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương 

Để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng nhanh, kỳ vọng lớn nhất trong năm 2025 theo ông Tú Anh là các quyết sách mới, cách làm mới giúp đẩy tiền ra nhanh hơn qua các kênh đầu tư công, giảm bớt tiền của kho bạc Nhà nước, đồng thời tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Chia sẻ cụ thể hơn, vị chuyên gia cho hay trong năm 2024, NHNN tìm mọi cách đưa tiền ra thị trường nhưng tiền khó ra. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt khoảng 8,8%, không thấp so với cùng kỳ những năm trước nhưng cung tiền M2 thì tăng thấp. Điều này dẫn đến tốc độ tăng huy động vốn của ngân hàng trên thị trường 1 chỉ khoảng 5,8%, cách rất xa tốc độ tăng trưởng tín dụng và làm cho chi phí huy động vốn của ngân hàng tăng lên. 

Theo ông Tú Anh, có 2 nguyên nhân chính khiến dòng tiền không ra được thị trường.

Thứ nhất là do thâm hụt cán cân thanh toán khiến NHNN phải bán ngoại tệ từ dự trữ, làm cho dòng tiền không ra được. “Thông thường những năm thặng dư cán cân thanh toán, việc mua ngoại tệ sẽ đẩy tiền ra rất tự nhiên, qua đó tăng cung tiền”, ông Tú Anh lý giải.

Thứ hai là bế tắc trong đầu tư công khiến tiền kẹt hàng triệu tỷ trong kho bạc Nhà nước, 70-80% số đó đang nằm ở NHNN, gây ảnh hưởng rất lớn đến điều hành của NHNN để kiểm soát dòng tiền mạnh này. 

“Tiền ra càng nhiều thì huy động trên thị trường 1 càng dễ dàng hơn. Điều này cũng sẽ giúp giảm áp lực ngân hàng duy trì lãi suất thấp”, theo vị chuyên gia. 

 

 Tăng trưởng tín dụng hết 9 tháng đầu năm. (Ảnh: MAS).

Sẽ có nhiều nghị quyết thí điểm giải quyết ngay các vấn đề cấp bách, đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo những động lực phát triển KT - XH mới

Đồng quan điểm rằng cơ hội của nền kinh tế Việt Nam trong năm tới sẽ đến từ sự cải thiện nội lực, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhận định rằng cải cách thể chế cùng với các quyết sách dự án đầu tư mới sẽ là hai yếu tố then chốt mở ra kỳ vọng lạc quan cho những năm tiếp theo. 

Ông Phan Đức Hiếu. (Ảnh: Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025).

Về cải cách thể chế, ông Hiếu cho hay Quốc hội dự kiến sẽ thực hiện nhiều nghị quyết thí điểm để giải quyết ngay các vấn đề cấp bách, chẳng hạn như nghị quyết thí điểm giải quyết vấn đề nhà ở thương mại.

“Theo luật đất đai hiện nay, để phát triển nhà ở thương mại, ngoài những dự án nhà nước đứng ra thu hồi đất thì nhà đầu tư (NĐT) chỉ có 2 cách triển khai là được thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất ở để làm nhà ở thương mại, chứ không được nhận thỏa thuận chuyển nhượng đất khác. Còn với NĐT đã đang có đất mà muốn chuyển mục đích đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì theo quy định của luật đất đai, đất đó phải gồm cả hai loại đất đồng thời là đất ở và đất khác. Như vậy, các hình thức khác không được phép. Chính vì vậy, khi thông qua luật đất đai, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu việc cần thiết mở ra thêm các cơ hội khác để đầu tư nhà ở thương mại.

Hiện Chính phủ đã đệ trình Quốc hội thông qua một nghị quyết thí điểm, bao gồm việc cho phép các NĐT thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất khác mà không phải đất ở để phát triển nhà ở thương mại. Cùng đó, các NĐT đã có quỹ đất nay muốn chuyển mục đích để phát triển nhà ở thương mại thì cũng đặt ra thí điểm, ví dụ thí điểm loại đất gì. Nghị quyết thí điểm như vậy là mở hơn so với Luật Đất đai”, vị Đại biểu Quốc hội thông tin.

Còn về các quyết sách đầu tư công, ông Hiếu nhấn mạnh đến chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam.

“Có thể không kỳ vọng nhiều vào hiệu quả tài chính từ dự án đường sắt tốc độ cao, tức là không kỳ vọng doanh thu thu về có thể bù đắp và có lãi. Hiện trên thế giới chỉ có 4 tuyến đường sắt có hiệu quả tài chính thôi.

Nhưng tôi kỳ vọng rất nhiều vào hiệu quả kinh tế xã hội tác động từ việc phát triển hệ thống đường sắt cao tốc này. Tôi kỳ vọng đó sẽ là động lực tạo nên những không gian kinh tế mới, bố trí lại các khu vực dân cư, đồng thời tạo ra những động lực phát triển kinh tế xã hội mới”, ông Hiếu cho hay.

chọn
Khang Điền có thể vượt mục tiêu lãi năm nhờ The Privia
SSI ước tính, trong quý IV Khang Điền sẽ bàn giao tất cả 1.043 căn hộ dự án The Privia và ghi nhận trước doanh thu từ 800 căn. Nhờ đó, lãi ròng năm 2024 của Khang Điền có thể đạt 971 tỷ đồng và vượt mục tiêu đề ra.