Bất động sản Tây Nguyên trầm lắng nhưng chưa ghi nhận bán tháo, cắt lỗ

Đó là nhận định của ông Lê Thế Quân, Giám đốc Thiên Tâm Land về thị trường bất động sản Tây Nguyên tại sự kiện công bố báo cáo thị trường bất động sản quý III của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS).

Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 đã xảy ra sốt đất xảy ra cục bộ ở nhiều địa bàn thuộc khu vực Tây Nguyên như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Măng Đen (Kon Tum),…

Một làn sóng từ các sàn giao dịch, nhà đầu tư đã đổ bộ các thị trường này. Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột, thời điểm tháng 1/2022, có những ngày cán bộ, nhân viên tiếp nhận và giải quyết tới 666 hồ sơ, cao gấp nhiều lần so với trước.

Sau giai đoạn tăng nóng, thị trường bất động sản Tây Nguyên đã hạ nhiệt. Trình bày về thị trường bất động sản Tây Nguyên tại sự kiện công bố báo cáo thị trường quý III của VARS, ông Lê Thế Quân, Giám đốc Thiên Tâm Land cho biết, sức mua trên thị trường có dấu hiệu giảm sút. Không còn hiện tượng nhà đầu tư ồ ạt đi xem đất và xem nhà như giai đoạn trước. Thị trường rất trầm lắng, người bán nhiều hơn người mua. Dù vậy, thị trường vẫn chưa ghi nhận tình trạng bán tháo, cắt lỗ.

“Nhìn chung, lượng giao dịch trên toàn thị trường khu vực Tây Nguyên giảm 50 - 70% so với quý II”, ông Quân nhận định. 

 Biến động giá sơ cấp đất và căn hộ khu vực Tây Nguyên. (Nguồn: VARS).

Cụ thể, tại thị trường Lâm Đồng, việc phân lô tách thửa trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Hoạt động phân lô bán nền được giảm thiểu tối đa, giao dịch mua bán đất nền giảm mạnh. Trong quý III cả thị trường Lâm Đồng chỉ có 600 nền được giao dịch thành công, giảm 13.000 nền so với quý trước. Giá có xu hướng giảm nhẹ. 

Còn với Đắk Lắk, hiện tại trên thị trường có ba dự án đang được chào bán là Thành phố Cà phê, Ecocity Premia và Ân Phú. Đây đều là những dự án cũ đã được triển khai từ những năm trước, hiện tại vẫn tiếp tục chào bán nhưng lượng giao dịch thấp và giá bán không có sự thay đổi.

Khách hàng đã bắt đầu chuyển nhượng, hướng sự quan tâm vào các sản phẩm dự án do đảm bảo về tính pháp lý, cơ sở hạ tầng, cũng như sự linh hoạt của dòng tiền vì có ngân hàng đồng hành cùng chủ đầu tư. Tuy nhiên lượng giao dịch cũng không nhiều.

Tương tự, tại Gia Lai, không có dự án bất động sản nào đang chào bán ra thị trường. Thị trường đất nền cũng trầm lắng, không còn sôi động so với trước đây. Kon Tum có một dự án shophouse với gần 70 sản phẩm đang bắt đầu được chào bán nhưng lượng khách hàng quan tâm cũng không lớn.

chọn
ĐHĐCĐ Khang Điền: Tự tin về khả năng trả nợ trái phiếu, dự án hợp tác với Keppel Land có thể kinh doanh từ cuối năm
Lãnh đạo Khang Điền cho biết tự tin về khả năng trả nợ 1.100 tỷ đồng trái phiếu nhờ quỹ tiền mặt dồi dào, nguồn thu từ dự án The Priva và KCN Lê Minh Xuân mở rộng triển khai trong thời gian tới. Năm nay, lợi nhuận chủ yếu của doanh nghiệp sẽ đến từ dự án The Privia.