Vừa qua, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã có báo cáo về thị trường trái phiếu Việt Nam trong quý II/2023.
Báo cáo cụ thể về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đơn vị trên cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa cải thiện nhiều khi giá trị phát hành duy trì ở mức thấp, giảm 87,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VBMA, dù các quy định nhằm cải thiện tình hình thị trường TPDN đã được ban hành, song, tình hình phát hành TPDN vẫn khá trầm lắng khi tâm lý các nhà đầu tư chưa hồi phục sau những vụ việc hồi năm ngoái.
Về tình hình hình phát hành, trong quý quý II vừa qua, có một đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 2.000 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng giá trị phát hành và 20 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 11.756 tỷ đồng, chiếm 85,5%.
Bất động sản (BĐS) là nhóm ngành chiếm phần lớn giá trị phát hành trong quý với 3.880 tỷ đồng, tương đương 27%. Theo sau là nhóm Ngân hàng, phát hành 2.890 tỷ đồng, chiếm 20%. So với các quý trước, tỷ trọng phát hành của nhóm BĐS và Ngân hàng đã giảm khá nhiều trong quý II/2023.
Trong số 21 đợt phát hành, 9 đợt có tài sản đảm bảo, chủ yếu dưới dạng BĐS.
Xét về mức lãi suất phát hành trong quý, lãi suất phát hành quý II thấp hơn quý I chủ yếu do nhóm ngân hàng kéo mặt bằng lãi suất xuống (giảm từ 10,7% xuống 7,86%/năm), ngược chiều, lãi suất phát hành các nhóm ngành khác như BĐS hay hàng tiêu dùng đều tăng lên.
So với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất tăng tại hầu hết các nhóm ngành với mức tăng từ 1% đến 3%/năm. Trong đó, BĐS và xây dựng là hai nhóm ngành có mức lãi suất phát hành trái phiếu cao nhất trong quý II vừa qua, vượt qua quán quân cùng kỳ là nhóm hàng và dịch vụ tiêu dùng.
Bên cạnh đó, kỳ hạn phát hành bình quân trong quý cũng tăng đôi chút so với cùng kỳ năm trước, từ 4,02 năm lên 4,35 năm.
Về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, trong quý II, có 41 doanh nghiệp công bố chậm trả lãi, gốc trái phiếu với giá trị lưu hành 36.512 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp cũng đã đàm phán thành công kéo dài kỳ hạn 46.318 tỷ đồng trái phiếu với các nhà đầu tư, thời gian gia hạn thường ở mức 12 tháng.
Về tình hình mua lại trước hạn, VBMA tổng hợp, trong quý II, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 73.849 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, hầu hết đều là trái phiếu thuộc nhóm Ngân hàng (53.713 tỷ đồng, chiếm 73% tổng giá trị mua lại), tương đương 11,7% dư nợ trái phiếu nhóm này.
VBMA cho biết thêm trong quý III, áp lực đáo hạn trái phiếu là tương đối lớn với gần 100.000 tỷ đồng, các nhà phát hành sẽ cần đạt thỏa thuận gia hạn trái phiếu để tránh chậm trả gốc, lãi trái phiếu trong bối cảnh dòng tiền của nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn như hiện nay.
So sánh thị trường TPDN Việt Nam với các nước trong khu vực, VBMA chỉ ra rằng, thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn nhỏ, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (26%), Malaysia (53,6%).
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 9,4% tổng dư nợ của cả nền kinh tế, giảm 2,6 điểm % so với thời điểm cuối năm 2022. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cũng giảm khá đáng kể khi phát hành mới không nhiều trong khi các doanh nghiệp thực hiện mua lại trước hạn lượng lớn trái phiếu.