Từ một con thỏ trắng đi lạc, gia đình bà Cậy đã gây dựng lên đàn thỏ 4.000 con. (Ảnh: Trang Anh) |
Sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, vào một lần vô tình con trai bà Đàm Thị Cậy (51 tuổi, xã Eaknốp, huyện Ekar, tỉnh Đắk Lắk) bắt được một chú thỏ trắng đi lạc trên đường.
Sau khi đưa về nhà, gia đình bà nhìn chú thỏ thấy tội nên đem lòng thương nên để lại nuôi, chăm sóc. Một thời gian sau bà cảm thấy yêu mến loại thỏ này nên đã bàn bạc với gia đình để xây dựng thêm chuồng trại, mua thêm thỏ về nuôi.
Nhận được sự đồng tình của cả nhà, bà Cậy gây dựng kinh tế bằng 5 con thỏ. Sau đó, bà nhân rộng ra đến 24 con thỏ trưởng thành. Tuy nhiên, do chưa rành về kĩ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng nên những con thỏ lần lượt mắc bệnh rồi chết.
Không chịu bỏ cuộc tại đây, người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần tiếp tục mua thêm 37 con thỏ về nuôi, nhưng số thỏ trên cũng mắc bệnh rồi rủ nhau ra đi khiến gia đình bà vô cùng lo lắng và buồn lòng… Những lần thỏ chết bà đều ghi chép lại toàn bộ quá trình từ khi mua giống về đến các giai đoạn chăm sóc rồi tới khi thỏ đổ bệnh.
“Khi đấy đàn thỏ của gia đình cứ chết dần chết mòn như vậy, cứ như ăn phải thuốc khiến tôi rất buồn. Nhưng không vì thế tôi nản chí, bởi cứ nhìn thấy thỏ ở đâu là tôi vô cùng thích. Mỗi khi có thỏ chết tôi liền ghi chép lại quá trình từ lúc mua giống đến khi về chăm sóc rồi lúc thỏ chết để tìm ra nguyên nhân rồi rút kinh nghiệm”, bà Cậy chia sẻ.
Nhiều lần nuôi thỏ bất thành khiến gia đình bà lao đao bởi nguồn kinh tế dần cạn kiệt, hàng tỷ đồng thua lỗ bởi việc nuôi thỏ. Qua nhiều đêm trằn trọc, thức trắng với quyết tâm vực dậy, tự rút kinh nghiệm qua những lần thất bại. Lần này, bà Cậy dốc hết tiền bạc xây dựng hai trang trại và mua 4.000 con thỏ về nuôi. Nhận biết được loài thỏ tai dài thường xuyên mắc bệnh tụ huyết trùng, nấm ghẻ, tiêu chảy nên bà Cậy để ý hơn đến các biểu hiện, tiêm phòng vắc xin định kì 6 tháng/lần.
Khi nhận thấy những con thỏ trong đàn có biểu hiện mắc bệnh, bà Cậy lập tức tách đàn rồi chữa trị dứt điểm, tránh để lây nhiễm sang cả đàn. Sau một thời gian đàn thỏ của gia đình bà Cậy đã phát triển ổn định, không còn mắc bệnh tật.
Sau nhiều lần thua lỗ do thỏ mắc bệnh rồi chết, đàn thỏ đã khỏe mạnh và phát triển tốt. (Ảnh: Trang Anh) |
Bà Cậy cho biết, thức ăn của thỏ chủ yếu là cỏ voi, cỏ mật... và thêm một ít cám, mỗi ngày bà chia đều thức ăn cho thỏ thành 2 lần ăn. Bên cạnh đó, theo bà khâu vệ sinh chuồng trại vô cùng quan trọng, nếu chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát thỏ sẽ ít mắc bệnh tật.
“Chuồng trại quá nóng khiến đàn thỏ dễ mắc bệnh tiêu chảy, còn chuồng trại lạnh sẽ khiến thỏ phát triển chậm, nấm ghẻ...
Ngoài ra, đối với những con thỏ mới sinh ra cần đặc biệt về việc bú sữa mẹ. Nếu thỏ con không chịu bú thì cần có sự hỗ trợ từ phía người nuôi để thỏ con có thể bú được, nếu không sẽ dẫn đến còi cọc rồi chết”, người phụ nữ chia sẻ.
Mỗi năm nhờ thỏ mà mang về cho gia đình bà thu nhập khoảng 200 triệu đồng. (Ảnh: Trang Anh) |
Hiện tại, trang trại của gia đình bà đang bán thỏ giống với giá 120.000 đồng/kg, còn đối với thỏ thịt mức giá giao động từ 70.000-75.000 đồng/kg. Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn thỏ, bà Cậy còn nuôi thêm 200 cặp bồ câu Pháp để phát triển kinh tế gia đình.
Từ một người không có bất kì kiến thức nào về chăn nuôi, đặc biệt là nuôi thỏ tuy nhiên sau những lần thất bại, lỗ hàng tỷ đồng, hiện này bà đã có gia tài hơn 4.000 con thỏ. Với số lượng thỏ trên, mỗi năm mang về cho gia đình mức thu nhập 200 triệu đồng.
Không những làm kinh tế cho gia đình, bà Cậy còn truyền đạt lại những kiến thức và kinh nghiệm mình học hỏi được cho người dân.
Vụ bắt gỗ cực lớn của trùm Phượng 'râu': Bộ đội biên phòng tỉnh lên tiếng
Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã vào Đồn Biên phòng 747 yêu cầu báo cáo cụ thể về vụ việc Bộ ... |
Than pin được sử dụng trộn vào vỏ cà phê, sỏi đá sau đó trộn lẫn hồ tiêu để bán kiếm lời
Cơ quan chức năng cho biết đã thu giữ toàn bộ 9 tấn hồ tiêu đã được trộn hỗn hợp than pin, đá sỏi và ... |