Bắt mạch bất động sản giữa đại dịch, nhà đầu tư ‘bẻ lái’ dòng tiền

Do tác động của Covid-19 nhiều áp lực, thách thức khiến thị trường bất động sản giảm tốc nhưng chuyên gia cũng cho rằng bất động sản vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế.

Nhận diện áp lực, thách thức

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của đại dịch Covid-19. Trong đó, HoREA chỉ ra nhiều áp lực và thách thức khiến thị trường giảm tốc mà các doanh nghiệp bất động sản đã và đang phải đối mặt trong năm nay.

Theo hiệp hội, dịch bệnh làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của doanh nghiệp BĐS nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng đều là những khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bắt mạch bất động sản giữa đại dịch, nhà đầu tư ‘bẻ lái’ dòng tiền - Ảnh 1.

Nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, nCoV đang làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thanh khoản về dòng tiền khi tồn kho tăng cao và nợ đọng lớn dần.

Dịch làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí vốn và lãi vay kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu. Chi phí quản doanh nghiệp vì vậy cũng bị tăng cao so với doanh thu và lợi nhuận. Các doanh nghiệp BĐS có qui mô càng lớn và càng nhiều lao động sẽ càng gặp nhiều khó khăn làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.

Cũng theo HoREA, dịch bệnh làm tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản cho các doanh nghiệp BĐS.

Có thể thấy, thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay thêm ảnh hưởng của dịch bệnh lại rơi vào tình thế khó chồng khó. Trước nguy cơ phá sản lớn dần, các tập đoàn, doanh nghiệp BĐS cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kì khó khăn này.

Đứng trước những khó khăn trên, theo đánh giá của HoREA, tất cả doanh nghiệp BĐS đều bị tác động rõ rệt khi dịch bệnh xuất hiện trong những tháng đầu năm 2020 và nhiều khả năng tiếp tục kéo dài thời gian tới. Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị bán hàng trên thị trường BĐS đa phần đều bị hủy bỏ hoặc hạn chế.

Vẫn là kênh cất giữ tài sản an toàn

Nhận định về thị trường, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, dù có nhiều khó khăn thách thức BĐS vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững.

Theo ông Châu, như thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc khủng hoảng đóng băng của thị trường bất động sản các năm 2008, 2011, để củng cố niềm tin và tìm kiếm các giải pháp ứng phó hiệu quả trước những tác động rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Về từng phân khúc trên thị trường, Chủ tịch HoREA đánh giá, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị trả lại.

Cùng đánh giá trên, trong báo cáo tác động của dịch Covid-19, công ty chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng ngành bất động sản nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại.

Bắt mạch bất động sản giữa đại dịch, nhà đầu tư ‘bẻ lái’ dòng tiền - Ảnh 2.

Cơ hội thanh lọc thị trường, doanh nghiệp thực hiện “tái cấu trúc doanh nghiệp”, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực…

“Dịch vụ du lịch và lưu trú bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel trong ngắn hạn đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel, đặc biệt trong đó các tỉnh Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận - Ninh Thuận, Hạ Long” - báo cáo cho hay.

Các nhà phân tích của BSC cho rằng các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng trong ngắn hạn sẽ càng khó khăn hơn trong việc mở bán dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thu tiền so với kế hoạch mở bán trước đó.

Còn đối với ngành BĐS thương mại, trong đó đặc biệt phân khúc trung cấp, bình dân, theo BSC, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch nCoV do nhu cầu thực mua nhà để ở và sinh sống là trong dài hạn.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý về ảnh hưởng của dòng tiền nước ngoài đối với phân khúc sang trọng và cao cấp.

“Đây là phân khúc có mức độ tăng giá “khá nóng” trong vài năm gần đây. Mặc dù vậy, mức độ ảnh hưởng theo hướng tiêu cực tương đối thấp do tỉ lệ tối đa cho người nước ngoài sở hữu căn hộ chỉ ở mức 30% và nguồn cung trong năm 2020 vẫn còn khá hạn chế do các vấn đề liên quan thủ tục phê duyệt pháp dự án” - BSC đánh giá.

Đề xuất gói hỗ trợ

Trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS, vừa qua Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng đã có quyết định gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, Bộ cũng đề xuất tăng gói hỗ trợ cho Covid-19 từ 30.000 tỉ lên 80.000 tỉ đồng… Đây được xem là liều thuốc cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng hơn đối với nền kinh tế và cả BĐS.

Để giúp doanh nghiệp ứng phó kịp thời, trong văn bản đề xuất kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, HoREA kiến nghị Chính phủ bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng với tiền thuế giá trị gia tăng trong các tháng 3, 4, 5, 6/2020. Hiệp hội cho rằng Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép doanh nghiệp được gia hạn 5 tháng tiền nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 3 đến tháng 6/2020, trong đó có ngành bất động sản.

Về hoạt động tín dụng, HoREA đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc về qui trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở để tạo điều kiện cho thị trường BĐS giải phóng lượng hàng tồn kho và có cơ hội phục hồi.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Quản nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang nghiên cứu đề xuất tăng cường bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội. Nó giống như gói 30.000 tỉ đồng trước đây. Bởi hiện vốn theo luật, nghị định còn dành ít cho nhà ở xã hội. Bộ sẽ đề xuất Ngân hàng chính sách và thương mại được cấp bù lãi suất. Khi nhà ở xã hội phát triển sẽ thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng, nhân công, nội thất và kéo theo nhiều ngành nghề khác liên quan

Đánh giá từ thực tế hiện nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, nhìn nhận một cách tích cực thì đây lại chính là cơ hội để thanh lọc thị trường; là giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp thực hiện “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.

“Các doanh nghiệp cũng có thể linh động chuyển đổi sang các hình thức hoạt động phù hợp, chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, kinh doanh online vào lĩnh vực BĐS. Như hoạt động bán hàng có thể chuyển sang hình thức online, vừa tránh được lây lan dịch bệnh, vừa bảo đảm cho khách hàng có thể yên tâm giao dịch an toàn. Về mặt tích cực, đây có thể xem như một cuộc sàng lọc giúp thị trường nhà đất trở nên "khỏe mạnh", giữ lại những doanh nghiệp có đủ thực lực” - ông Châu nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.