LTS: Không chỉ dùng toàn giấy tờ giả, giờ kẻ gian còn áp dụng thủ đoạn mới tinh vi hơn là tráo sổ đỏ thật để mang nhà người khác đi bán, thế chấp ngân hàng… Chiêu lừa này đã khiến nhiều cơ quan công chứng, văn phòng đăng ký đất đai, ngân hàng, nhiều chủ sở hữu nhà cùng những người mua ngay tình… lần lượt bị sập bẫy, thiệt hại khôn lường.
Loạt bài này tiếp tục báo động vấn nạn giả mạo trong giao dịch nhà, đất (người giả, giấy giả xen lẫn giấy thật…) để các cơ quan chức năng nhanh chóng có giải pháp xử lí hiệu quả.
Từ cấp báo của Phòng Công chứng (CC) số 7, Công an quận 6 (TP HCM) đang điều tra, xác minh vụ việc một lô đất tại quận Bình Tân có tới hai sổ đỏ thật, giả.
Đi bán đất mới biết sổ đỏ của mình là giả
Ngày 19/7, bà Nguyễn Thị Năng (quận Tân Bình) đến Phòng CC số 7 chứng nhận hợp đồng bán lô đất tại quận Bình Tân có diện tích được công nhận là 197 m2 với giá 3 tỉ đồng.
Khi tiếp nhận hồ sơ, công chứng viên kiểm tra các giấy tờ như CMND, văn bản thừa kế, đóng trước bạ… của bà Năng đều là thật. Riêng sổ đỏ thì có dấu hiệu giả mạo. Bấy giờ, Phòng CC số 7 đã tạm giữ giấy tờ, chuyển yêu cầu xác minh thông tin đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận Bình Tân.
Lúc này, bà Năng cũng đến ngay VPĐKĐĐ quận để tìm hiểu vì sao sổ đỏ của mình lại bị nghi là giả.
Thật bất ngờ, hồ sơ lưu tại VPĐKĐĐ quận Bình Tân cho thấy: Sổ đỏ lô đất trên có sự cập nhật đăng ký biến động cho bên nhận chuyển nhượng là ông Phạm Thành Vũ ở tỉnh Tây Ninh vào tháng 2/2019. VPĐKĐĐ quận Bình Tân cũng có công văn trả lời Phòng CC số 7 là sổ đỏ mà bà Năng xuất trình không trùng khớp thông tin sổ đỏ mà văn phòng này đang lưu trữ.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu giả mạo giấy tờ, tài liệu, Phòng CC số 7 đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến Cơ quan CSĐT Công an quận 6 để đề nghị nơi đây điều tra, khởi tố.
Lô đất của bà Nguyễn Thị Năng (người bị tráo sổ đỏ) đang bị người mua sau cùng rào lại. Ảnh: NQ
Chia sẻ câu chuyện bị tráo sổ đỏ thật, bà Năng cho biết: Cuối năm 2018, do muốn bán lô đất trên nên bà đã gửi những người môi giới nhà, đất rao bán giúp bà với giá 3 tỉ đồng. Để làm tin là sổ đỏ đang được bà cất giữ chứ không thế chấp cho ai, bà đã phôtô sổ đỏ đó đưa cho họ. Khi đó, cũng có nhiều người tới hỏi mua lô đất đòi xem sổ đỏ bản chính và bà có đưa ra cho họ coi rồi cất lại.
Lần sau cùng, có người đến coi đất và sau khi xem sổ đỏ bản chính xong thì họ đặt cọc 1 tỉ đồng. Hai bên đã hẹn ngày ra công chứng ký chuyển nhượng lô đất. Và rồi từ xác minh của Phòng CC số 7, bà mới vỡ lẽ sổ đỏ mà bà đang giữ lại là sổ giả, còn sổ thật không biết giờ ở đâu.
Đề nghị công an ngăn chặn chuyển nhượng lô đất
Tôi rất lo họ lấy sổ đỏ thật bán tiếp cho nhiều người nữa thì khổ người khác. Tôi đã làm việc với Công an quận 6 và đã đề nghị cơ quan này ngăn chặn ngay việc chuyển nhượng lô đất để tránh phát sinh thêm hậu quả.
Bà NGUYỄN THỊ NĂNG (chủ lô đất bị tráo sổ đỏ)
Theo tìm hiểu của PV thì ngày 29/1, một văn phòng công chứng ở tỉnh Long An đã công chứng hợp đồng ủy quyền cho một người giả chủ đất là bà Năng ủy quyền cho ông Nguyễn Trung Tài (quận 1) được quyền mua bán lô đất nói trên.
Dựa vào hợp đồng ủy quyền này, ông Tài đứng ra bán lô đất cho ông Phạm Thành Vũ với giá 3 tỉ đồng. Việc mua bán này được công chứng viên Phòng CC số 5 chứng nhận ngày 1/2. Tiếp đó, ông Phạm Thành Vũ được VPĐKĐĐ quận Bình Tân đăng bộ cập nhật tên trên sổ đỏ vào ngày 21/2.
Sau khi sang tên xong, ông Vũ thế chấp lô đất trên cho ngân hàng để vay tiền và sau đó đi xóa thế chấp lấy sổ đỏ ra bán tiếp cho người khác.
Ngày 30/8, cùng ngày Phòng CC số 6 chuyển hồ sơ qua Công an quận 6 để điều tra dấu hiệu giả mạo giấy tờ thì ông Vũ đã làm hợp đồng chuyển nhượng lô đất cho người chủ mới với giá 1 tỉ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng này được công chứng viên Phòng CC số 5 chứng nhận. Ngày 12/9, VPĐKĐĐ quận Bình Tân đã cập nhật sang tên chủ đất cho người mới.
Trong việc chứng nhận hợp đồng bán đất cho ông Vũ, công chứng viên Phòng CC số 5 Trần Bảo Nam cho biết ông đã làm đúng qui trình công chứng. Ông đã xem bản chính sổ đỏ; kiểm tra đối chiếu thông tin giao dịch trên mạng công chứng của TP; thông tin ngăn chặn của lô đất; giấy tờ, nhân thân, hình ảnh người đến công chứng như CMND, giấy chứng nhận kết hôn; đối chiếu chữ ký…
"Do chủ đất không trực tiếp đi chuyển nhượng đất mà thông qua hợp đồng ủy quyền cho người khác nên tôi rà soát rất kỹ. Đã vậy, hợp đồng ủy quyền được lập ở văn phòng công chứng của tỉnh Long An nên chỉ khi xác minh biết đó là hợp đồng ủy quyền thật thì tôi mới yên tâm ký công chứng", ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, lần thứ hai, khi chủ mới đến công chứng bán tiếp cho người khác thì ông cũng làm theo qui trình như trên. Do tất cả giấy tờ, người đến mua bán đều hợp pháp, không có gì bất thường nên ông ký công chứng bình thường. Lí giải vì sao không thấy lạ khi cùng một người mà mới mua đất giá 3 tỉ đồng lại bán chỉ 1 tỉ đồng, ông Nam cho rằng giá cả mua bán do hai bên thỏa thuận, trách nhiệm của công chứng viên là công chứng giao dịch đúng qui định của pháp luật.