Báu vật của làng
Chiếc áo Kong Pơ Pong là báu vật của người Hà Lăng nên chỉ được sử dụng trong các dịp lễ quan trọng. |
Từ thành phố Kon Tum, chúng tôi vượt hàng trăm km để tìm về làng Đắk Ôn (xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) để chiêm ngưỡng những bộ quần áo độc đáo được làm bằng vỏ cây.
Nhà thôn trưởng A Mâm là nơi có nhiều bộ quần áo làm bằng vỏ cây có màu vàng óng với những đường may tỉ mỉ. Được biết, những bộ y phục được làm từ vỏ cây này được người dân gọi là Kong Kơ Pong. Trước đây, áo Kong Pơ Pong còn rất nhiều, nhưng do người dân không biết cất giữ nên bị lưu lạc và hư hỏng đi nhiều.
Khoảng thời gian gần đây, khi người dân nhận thấy chiếc áo Kong Pơ Pong là một nét văn hóa truyền thống cần được lưu giữ nên đã có ý thức bảo vệ và giữ gìn cổ vật của đồng bào mình. Hiện nay, áo Kong Pơ Pong chỉ còn 9 chiếc và được người dân cất giữ cẩn thận để sử dụng trong các dịp lễ hội: tết, mừng lúa mới...
Người dân trong thôn cho biết, những chiếc áo Kong Pơ Pong rất chắc, bền, khi mặc vào rất ấm nhưng cũng rất dễ cháy hoặc bị mốc nếu ngấm nước lâu ngày. Sau khi mặc trong các lễ hội, chiếc áo được giặt sạch, phơi khô rồi được gấp gọn gàng cất vào tủ.
“Đồng bào mình quý áo Kong Pơ Pong lắm, vì nó là niềm tự hào, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Lăng. Cả làng ai cũng quý và nâng niu Kong Pơ Pong, nếu áo bị hư hay mất đi thì có tội với Yàng lắm”, ông A Mâm chia sẻ.
Nguy cơ bị mai một
Những chiếc áo Kong Pơ Pong được may rất kì công và tỉ mỉ. |
Để làm ra một chiếc áo Kong Pơ Pong nhìn bề ngoài tưởng chừng đơn giản nhưng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Hoàn thành một chiếc áo có khi mất đến 2 tuần hoặc một tháng.
Theo những người dân trong làng, trước đây để làm được một chiếc áo phải vào tận trong rừng sâu để tìm cây L’oong Ka Pong (cây mít rừng), cây càng già, có đường kính càng to thì áo càng đẹp. Đem về, cây được chặt ra từng khúc từ 1.5-2m, bóc lớp vỏ bên ngoài để lột lấy lớp vỏ trong, sau đó ngâm lớp vỏ này ở suối trong 2 tháng.
Khi được đem lên, lớp vỏ được người dân dùng chày răng cưa đập dập, phơi trong bóng râm. Tiếp đó, lấy lớp vỏ đã phơi khô rồi cho vào nước sôi nấu lên, lớp vỏ tiếp tục được đập một lần nữa rồi mới tách thành sợi để đan thành áo.
Chỉ dùng để may áo Kong Pơ Pong là cây PaSănLaPần, loại cây này tìm kiếm còn khó hơn L’oong Ka Pong, vì cây này chỉ mọc ở những cánh rừng già. Sau khi mang về, cây được chẻ nhỏ, tách thành những sợi dài rồi đem bỏ vào ống lồ ô và nướng trên bếp. Nướng càng lâu, đảo càng đều tay thì sợi chỉ sẽ càng mềm và chắc chắc.
Theo trưởng thôn A Mâm, khi làm áo Kong Pơ Pong thì công đoạn đập là khó nhất, nếu đập mạnh tay quá áo sẽ bị tòe ra, còn đập nhẹ quá áo sẽ không được mỏng và đẹp. Áo Kong Pơ Pong nặng trung bình từ 2-3kg, áo không có cúc cài mà được sử dụng vải Ha Môn để trang trí vào cho đẹp mắt.
“Vải Ha Môn là loại vải hiếm, được người dân mang từ Lào về, chứ ở Việt Nam mình không có. Sau này, không có vải Ha Môn người dân đã lấy vải ở đây may vào”, ông A Mâm nói.
Thường thì chiếc áo Kong Pơ Pong được may theo dạng cổ tròn, không có tay và dài từ 1.2-1.5m. Để có được chiếc áo, người dân phải dùng đến 5 cây L’oong Ka Pong và 1 cây LaPần. Tuy được làm bằng vỏ cây nhưng bên trong áo rất nhẵn nhụi và sần sùi ở bên ngoài.
“Ở làng hiện nay không còn ai biết làm áo Kong Pơ Pong nữa, nếu những chiếc áo này không còn, coi như người Hà Lăng mất đi một nét văn hóa truyền thống”, ông A Mâm chia sẻ.