Tóm gọn tên "đạo chích" lộng hành trong bệnh viện Chợ Rẫy |
Nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân khi được cắt tóc, gội đầu miễn phí | |
Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện hai ca ghép thận đổi chéo thành công |
Không ngừng lớn mạnh
Hình ảnh hiếm hoi của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 1931. |
Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng và thành lập năm 1900 với tên là Hôpital Municipal de ChoLon tại Sài Gòn. Đây là một trong những cơ sở y tế của Pháp thành lập ở Việt Nam sớm nhất cùng với Viện Pasteur TP HCM năm 1891 và Viện Pasteur Nha Trang năm 1895.
Khi đó, bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng trên nền đất cao có diện tích trên 50.000m2 với các tòa nhà kiểu pháp, cao 2 tầng, vốn trước đây là chợ mua bán của người Hoa, có tên là chợ Rẫy. Sau này tên gọi Chợ Rẫy được người dân quen dùng và trở thành tên gọi chính thức cho bệnh viện cho đến ngày nay.
Năm 1971 đến 6/1974, bệnh viện Chợ Rẫy được tái xây dựng trên diện tích 53.000m2 với tòa nhà 11 tầng, trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Hiện nay, bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, xếp hạng đặc biệt, tuyến kỹ thuật sau cùng các tỉnh thành phía Nam, trực thuộc Bộ Y tế.
Bảng hiệu Bệnh viện Chợ Rẫy theo cách gọi của người Sài Gòn xưa được đặt trước cửa tòa nhà chính. Ảnh Mai Phương |
Quy mô ban đầu của Bệnh viện Chợ Rẫy khi xây dựng vào năm 1974 là 500 giường, số lượng giường bệnh thực kê không ngừng được tăng lên phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, đến năm 1999 là 1.242 giường, đến nay là 1.800 giường.
Trong năm 2016, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 130.000 lượt bệnh nhân nội trú, hơn 1,4 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú và cấp cứu. Thực hiện trên 42.000 ca phẫu thuật, nhiều trường hợp bệnh lý hiểm nghèo đã được cứu sống và chữa trị khỏi bệnh tại bệnh viện.
Một số các kỹ thuật mũi nhọn đã từng bước đi vào thường quy như phẫu thuật tim, ghép thận, ghép tủy, ghép gan… Bệnh viện đang hướng đến tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật về ghép tim và ghép phổi trong thời gian sắp tới.
Nụ cười hạnh phúc của bác sĩ và bệnh nhân sau thành công của ca ghép thận đổi chéo cho hai nữ bệnh nhân từ người cho thận sống. Ảnh Mai Phương |
Gần đây nhất, ngày 7/2 Khoa Tiết Niệu của bệnh viện đã thành công khi lần đầu tiến hành ghép thận đổi chéo cho hai nữ bệnh nhân từ người cho thận sống. PGS.TS.BS Thái Minh Sâm - Trưởng khoa Tiết Niệu cho biết: “Kỹ thuật mổ ghép thận đối với các bác sĩ Việt Nam không phải điều khó khăn. Quan trọng nhất nằm ở khâu tìm được cặp ghép thận phù hợp như trên phải chờ rất lâu.
Ở bệnh viện Chợ Rẫy hiện có hàng trăm người bị bệnh thận đang chờ đợi được ghép thận, trong khi nguồn thận ghép vẫn rất hạn chế. Trường hợp ghép thận đổi chéo như trên một người bệnh đã phải chờ đợi gần 20 tháng, nhiều người phải chờ 5 - 7 năm nhưng vẫn không tìm được thận cho phù hợp”.
Được biết, trong năm 2017, hoạt động nghiên cứu khoa học của bệnh viện sẽ tập trung vào các mục tiêu như triển khai các nghiên cứu liên quan đến ghép mô, tạng như ghép tim, phổi, tiếp tục nghiên cứu về ghép gan, ghép thận và áp dụng kỹ thuật mới trong ghép tuỷ xương. Ứng dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, phát triển nghiên cứu sâu về sinh học phân tử, hoá mô miễn dịch, xạ trị, xạ phẫu…
Bệnh viện Chợ Rẫy là cầu nối giữa các nhà hảo tâm, mạnh thường quân với người bệnh nghèo. Ảnh Mai Phương |
Với phương châm hoạt động “Làm những gì có lợi nhất cho người nghèo”, bệnh viện Chợ Rẫy không để bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật.
PGS.TS Nguyễn Văn Khôi, Phó giám đốc (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, nếu như bệnh nhân khó chịu thì bác sĩ phải chịu khó. Bệnh nhân là một khách hàng đặc biệt, khách hàng quý, còn bác sĩ giỏi là bác sĩ chữa khỏi cho bệnh nhân và đừng bao giờ làm phiền bệnh nhân. Không để bệnh nhân phải bán đi những thứ quý giá để để chữa bệnh, khi ăn mặc sạch đẹp không quên người nghèo, đặc biệt người dân tộc.
Trường hợp xấu nhất, thầy thuốc bó tay, khoa học bất lực, bệnh viện giúp cho người thân mang thi thể người bệnh về nhà.
Suốt 8 năm qua phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy đã trở thành điểm tựa cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, là nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm, mạnh thường quân với người bệnh nghèo.
Tính đến nay, phòng công tác xã hội đã vận động được hơn 41,5 tỉ đồng từ 2.299 nhà hảo tâm, giúp đỡ 16.176 lượt người bệnh, tổng số tiền giúp đỡ người bệnh nghèo là 55,5 tỉ đồng. Trong đó, có hỗ trợ 4.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày; 126 lượt người bệnh nhận được nguồn sữa đặc hiệu, đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng theo phát đồ của khoa Dinh dưỡng.
Một bệnh nhân bị rò động mạch cảnh xoang hang không có bảo hiểm y tế, khó khăn về viện phí nhưng được bệnh viện tạo điều kiện cứu chữa kịp thời. Ảnh Mai Phương |
Bên cạnh đó, bệnh viện còn tích cực góp phần nâng cao năng lực cho các đơn vị y tế tuyến dưới, đúng với “sứ mệnh” bệnh viện tuyến cuối phía Nam. Nổi bật là Đề án bệnh viện vệ tinh, với vai trò là bệnh viện hạt nhân, bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang thực hiện đào tạo - chuyển giao kỹ thuật cho 20 bệnh viện vệ tinh thuộc tỉnh thành phía Nam, với các chuyên khoa mũi nhọn như Phẫu thuật tim, tim mạch can thiệp, Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tiêu hóa, Gan mật, Ngoại thần kinh,…
Trong công tác hợp tác quốc tế, bệnh viện thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và triển khai các kỹ thuật y khoa tiên tiến với các bệnh viện như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Singapore…
Đặc biệt, đến năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy hữu nghị Việt - Nhật cao 10 tầng, với 1.000 giường bệnh xây dựng trên khu đất rộng 10 ha tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân sẽ đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư công trình lên đến 6.117 tỷ đồng, phía Nhật Bản sẽ tài trợ nguồn vốn ODA 28,8 tỷ Yên (tương ứng 5.751 tỷ đồng).
Ngày 3/2/2010, bệnh viện Chợ Rẫy được xếp hạng đặc biệt. Ngoài ra, bệnh viện còn vinh dự đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước gồm: - Huân chương Lao động hạng I, năm 1999 và lần 2 năm 2015 - Danh hiệu Anh hùng lao động, năm 2000 - Huân chương Độc lập hạng III, năm 2005 - Huân chương Độc lập hạng II, năm 2010 |