Bệnh xuất huyết não: Trẻ hóa, tử vong nhanh

Trước đây, bệnh nhân xuất huyết não thường rơi vào độ tuổi trên 55. Tuy nhiên, gần đây bệnh viện (BV) thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị xuất huyết não trên dưới 45 tuổi. 

Trẻ hóa, tử vong nhanh

Thông tin trên báo Vietnamnet, BS Trần Văn Sóng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết, “Trước đây, bệnh nhân xuất huyết não thường rơi vào độ tuổi trên 55. Tuy nhiên, gần đây bệnh viện (BV) thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị xuất huyết não trên dưới 45 tuổi. Đây là điều đáng quan tâm vì hình thái bệnh tật có sự thay đổi”.

Khoảng 23 giờ ngày 24/9, BV Nhân dân 115 tiếp nhận bà VTTH (45 tuổi, ở Đồng Nai) hôn mê sâu do xuất huyết não.

Bác sĩ nhanh chóng đo nhịp tim và cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, màn hình hiển thị những thông số cho thấy nhịp tim chậm và hơi thở bệnh nhân không đều. Sau khi soi đèn vào mắt bà H., BS Đặng Quang Vinh lắc đầu nói với người nhà: “Bệnh nhân giãn đồng tử do phù não quá nhiều. Người bệnh đã chết lâm sàng, không thể qua khỏi”.

Trước sự ra đi quá đột ngột của bà H., người nhà khóc ngất. Con trai bệnh nhân kể: “Đang tưới đám rau sau nhà, má tôi than nhức đầu, hai tay ôm chặt thái dương. Tôi chạy tới nơi thì tay chân má tôi bủn rủn và ngã chúi một bên, miệng ú ớ. Cả nhà đưa má tôi tới BV huyện, nơi đây cho biết má tôi bị xuất huyết não nên chuyển lên BV Nhân dân 115”.

Cầm kết quả chụp CT Scan của bệnh nhân, BS Vinh chỉ người nhà xem những ổ máu tụ chèn ép vùng não lân cận gây thiếu máu não cục bộ. Điều này khiến bà H. tử vong rất nhanh.

BS Đặng Quang Vinh (BV Nhân dân 115, TP.HCM) giải thích với người nhà nguyên do bệnh nhân bị xuất huyết não. Ảnh: Vietnamnet.

Trong lúc gia đình làm thủ tục đưa bà H. về nhà để lo hậu sự thì một người đàn ông mập mạp nằm trên băng ca được điều dưỡng đẩy nhanh vô phòng hồi sức. Bệnh nhân tên NVT (44 tuổi, ở TP.HCM) cũng bị xuất huyết não và đang rơi vào trạng thái mê man.

Con gái bệnh nhân kể trong nước mắt: “Ba tôi có tiền sử tăng huyết áp. Hồi tối ba tôi qua nhà hàng xóm chơi, vừa về tới nhà thì người xụi dần, vật vã, mồ hôi ra như tắm, cứng miệng, nhịp thở nhanh. Khi dìu ba lên giường, tôi phát hiện tay và chân phải ba tôi mất cảm giác, vệ sinh không tự chủ”.

Bệnh nhân cũng được nhân viên y tế đo nhịp tim và cho thở máy đồng thời tiến hành chụp MRI. Kết quả chụp MRI cho thấy bệnh tình ông T. không quá trầm trọng nhờ kịp thời đưa đến BV. “Sau khi điều trị tích cực, ông T. đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ gánh chịu những di chứng nặng nề và khả năng sống đời thực vật rất cao” - BS Trần Hùng Tấn giải thích với người nhà ông T.

Xuất huyết não thường để lại nhiều di chứng

Báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, những bệnh nhân còn sống sau chảy máu não nặng thường bị di chứng nặng nề, nhiều trường hợp ở trong tình trạng sống thực vật và sẽ chết do bội nhiễm, suy kiệt. Tỷ lệ tử vong của xuất huyết não trong vòng 30 ngày là 50%, trong đó một nửa số bệnh nhân tử vong trong 2 ngày đầu tiên. Trong những trường hợp sống sót, chỉ có khoảng 1/5 số bệnh nhân có thể sống tự lập tại thời điểm 1 năm sau xuất huyết não.

Có nhiều loại chảy máu khác nhau, nguy hiểm nhất là chảy máu bán cầu đại não ở sâu, y học gọi lụt não thất. Biểu hiện ra bên ngoài là hôn mê sâu, kèm co cứng toàn thân, cơn co giật, đôi khi có “nôn chất đen” và sốt. Nếu phát hiện muộn và không cấp cứu kịp thời, tỷ lệ tử vong rất cao (81%). Xuất huyết não có xu hướng tái phát mạnh.

Xuất huyết não thường để lại nhiều di chứng cho người bệnh. Hai di chứng quan trọng hay gặp nhất ở người đột quỵ là liệt vận động và rối loạn ngôn ngữ. Bệnh thường để lại hậu quả nặng nề như cấm khẩu, liệt nửa người, rối loạn thị lực. Trong phần lớn các ca, sự hồi phục rất hạn chế.

– Liệt vận động chỉ gặp ở một bên thân người nên gọi là liệt nửa người.

– Rối loạn ngôn ngữ: thường là không thể nói được, hoặc nói khó.

Hiện nay, vấn đề điều trị và phục hồi chức năng (PHCN) cho người bệnh sau khi bị xuất huyết não còn là một vấn đề khó khăn do đòi hỏi thời gian, công sức và tiền bạc. Tại các cơ sở y tế hiện nay việc thu dung điều trị và PHCN cho người bệnh sau xuất huyết não cũng không được nhiều, chủ yếu còn phải dựa vào gia đình và cộng đồng.

Người bệnh nếu được điều trị và phục hồi chức năng sớm, khoa học và chuyên sâu sẽ có khả năng phục hồi cao hơn, khả năng tai biến lần sau cũng sẽ bị hạn chế đi.Thường sau 6 tháng hồi phục chức năng cơ thể người bệnh tuy vẫn tiếp tục nhưng chậm lại và thường để lại ít nhiều di chứng, có di chứng khó hồi phục trở lại bình thường.

Khả năng phục hồi sau xuất huyết não tùy thuộc vào mức độ thương tổn của thần kinh. Nếu vùng não thương tổn lớn khả năng phục hồi rất kém, nếu vùng não bị thương tổn là ít thì khả năng phục hồi sẽ cao.

Đối với giai đoạn này, ngoài việc dùng thuốc ra, kết hợp các phương pháp luyện tập dưỡng sinh, xoa bóp, châm cứu… sẽ giúp hỗ trợ nhanh sự hồi phục các chức năng vận động, lao động trí óc và chân tay.

3 mặt điều trị cần thiết đối với người bệnh trong giai đoạn hồi phục và di chứng là: Tự tạo cho mình một tinh thần thanh thản, thoải mái, không để bị kích động tâm thần, tự xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống thanh đạm, làm việc vừa sức, không ham dục vọng, kết hợp với sự luyện tập nhẹ nhàng thường xuyên, đều đặn… sẽ giúp phục hồi sức khỏe, phòng chống tái phát bệnh.

Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm chứa canxi có thể giúp giảm nguy cơ bị xuất huyết não và nâng cao khả năng phục hồi sau xuất huyết não. Các chuyên gia thuộc khoa Thần kinh tại Đại học California (Mỹ) cho biết tỷ lệ canxi liên quan chặt chẽ tới mức độ nặng hay nhẹ của cơn đột quỵ và khả năng phục hồi của bệnh nhân sau khi xuất viện.

Nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân có hàm lượng canxi trong máu cao tại thời điểm bị đột quỵ thì mức độ nguy hiểm của cơn đột quỵ chỉ bằng 1/3 so với những bệnh nhân khi bị đột quỵ có tỷ lệ canxi trong máu thấp.

Bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng về cách thức vệ sinh, chế độ ăn uống… Bệnh nhân phải cai rượu, thuốc lá, tăng cường mức độ luyện tập và hoạt động, uống thuốc đúng theo toa và tái khám đúng theo lời dặn của bác sĩ, tránh những yếu tố có thể xảy ra stress tâm lý, nóng, lạnh đột ngột nhằm tránh bệnh tái phát.

Nguyên nhân xuất huyết não

Huyết áp tăng gây vỡ mạch trong não.

Vỡ phình mạch não do dị dạng ở mạch não, thường gặp ở trẻ em.

Bệnh về máu.

Vỡ dị dạng động tĩnh mạch não.

Dấu hiệu nhận biết xuất huyết não

Có cơn đau đầu dữ dội: trên 50% bệnh nhân bị xuất huyết não đều có dấu hiệu này đầu tiên.

Chóng mặt, ù tai, choáng váng, có khi là ngất xỉu.

Chân tay run, không đứng vững, không cầm nổi đồ vật…

Thỉnh thoảng đang nói chuyện bỗng dưng mất kiểm soát không nói được, mắt mờ, không cầm nổi đồ vật …

Trí nhớ giảm sút nhanh chóng, hay quên hoặc quên hoàn toàn mọi thứ nhanh chóng…

Triệu chứng xuất huyết não

Bình thường người bệnh khỏe mạnh vẫn hoạt động sinh hoạt bình thường nhưng khi bị xuất huyết não thì đột ngột xuất hiện các triệu chứng:

Liệt nửa người bên trái hoặc bên phải: giảm hoặc mất vận động ở 1 nửa bên thân trái hoặc phải.

Liệt nửa mặt: liệt cùng bên hoặc khác bên so với liệt nửa thân, các nếp nhăn bên liệt mờ hơn bên lành, dễ chảy nước dãi ở bên liệt, không thổi lửa được …

Rối loạn ngôn ngữ: nói khó, nói ngọng, hoặc cũng có thể không đọc được, không nói được …

Rối loạn về nuốt: nuốt khó, nuốt dễ bị sặc, không nhai được …

Rối loạn cơ tròn: đái ỉa không tự chủ, bí tiểu, không đi đại tiện được …

Rối loạn nhận thức: lú lẫn, lơ mơ, thờ ơ, suy giảm trí nhớ …

Rối loạn hô hấp: dễ bị suy hô hấp, tụt lưỡi, sặc tắc đờm …

Rối loạn phản xạ: giảm hoặc tăng phản xạ gân xương ở bên liệt.

Phòng ngừa từ những dấu hiệu đơn giản nhất

Để phòng ngừa chứng bệnh nguy hiểm này, những người có nguy cơ cần thường xuyên đo huyết áp, thăm khám định kỳ để phát hiện các xáo trộn trong cơ thể. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn và chống mọi căng thẳng trong cuộc sống.

Kiểm soát cân nặng, không nên để cơ thể quá béo, tránh lạm dụng các chất gây ra xuất huyết não như rượu bia; tăng cường vận động để mạch máu dẻo dai hơn.

Đáng lưu ý là những dấu hiệu tế nhị như thoáng líu lưỡi khi nói, khuỵu chân, đột nhiên trượt tay đánh rơi đồ vật đang cầm. Thậm chí có thể thoáng mất định hướng về không gian và thời gian. Từ những tiền triệu nêu trên, những người vốn có bệnh tăng huyết áp hoặc đã bị tai biến phải chú ý để ứng phó, hạn chế biến chứng.

An Yên (Tổng hợp)

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.