Đến thôn Tảo C, xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chỉ cần hỏi đền Thó thì sẽ được người dân chỉ dẫn tận tình, họ mặc định những khách thập phương đến đây, chắc chắn là tìm nơi chữa bệnh cho người tâm thần. Và lạ kỳ thay, có hàng trăm bệnh nhân đã khỏi bệnh, dù trước đó đã chạy chữa khắp nơi, tốn kém cả trăm triệu đồng.
Ngôi đền Thó với lịch sử đã gần 400 năm tuổi ở thôn Tảo C, xã Lương Tài (Văn Lâm, Hưng Yên). |
Rất sợ “cái uy” của "thầy Tự"
Thông tin về trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Tự (SN 1971) được người dân yêu mến gọi là "thầy Tự" – thủ từ đền Thó được cho là có khả năng chữa lành bệnh tâm thần cho hàng trăm bệnh nhân với một “phương pháp chữa bệnh” đặc biệt, đang được dư luận hết sức quan tâm. Theo chỉ dẫn của người dân, PV tìm về thôn Tảo C, xã Lương Tài (Văn Lâm, Hưng Yên) để mục sở thị cách thức chữa bệnh của vị “thần y” này.
Theo con ngõ dẫn từ phía Tỉnh lộ 388 vào trong làng Tảo C, đền Thó nằm ngay cạnh một con đường lát gạch từ thời xưa. Bà con địa phương cho hay, mỗi ngày vẫn có hàng chục lượt xe ô tô của khách thập phương tới đây để cậy nhờ “cửa thầy” chạy chữa giúp cho người nhà bị bệnh tâm thần.
Bài tập thể chất bằng cách gánh theo các bao tải đựng gạch dành cho các bệnh nhân tâm thần ở đây. |
Khác hẳn với tâm lý nghi ngại ban đầu, vừa bước chân vào sân ngôi đền cổ, PV bị thu hút bởi không khí chuẩn bị cơm trưa và hoạt động tập thể một cách đầy nhịp nhàng, không ai bảo ai cứ răm rắp theo sự chỉ đạo của một người “chỉ huy” dưới quyền của “thầy Tự”.
Phía sân sau, các bệnh nhân đang được chữa trị bằng liệu pháp lao động. Cứ hai người một chiếc bao tải nhỏ có chứa vài ba viên gạch vác vòng quanh khoảng sân. Những đôi mắt ngờ nghệch với nụ cười vô định nhưng nhất nhất tuân theo sự chỉ đạo của người phụ trách một cách nhịp nhàng càng khiến cho người viết thực sự bất ngờ.
Không hề có cảnh cãi cọ, la hét hay đánh nhau trong khi tập. Cứ nghe thấy tiếng của “thầy Tự” là ngay tức thì, các bệnh nhân bỗng dưng “ngoan đột xuất” như một đứa trẻ biết vâng lời.
Chị Nguyễn Thị Thúy, quê ở Hà Tĩnh, có chồng bị tâm thần và đưa về đây nhờ "thầy Tự" chữa trị, trải lòng: “Có người thân bị bệnh này khổ cực vô cùng, nhưng nhờ người đánh tiếng mới biết đến danh tiếng của nhà đền nên hơn 1 tháng nay tôi đã đưa chồng mình tới đây chữa bệnh. Vì sợ “cái uy” của thầy mà phần lớn các bệnh nhân ở đây, chỉ cần nghe thấy tiếng hoặc dọa mách thầy Tự là nghe lời răm rắp ngay”.
Làm vì “cái duyên, cái nghiệp” chứ không vì tiền
Theo chia sẻ của chị Thúy, chồng chị bị bệnh từ lâu, nên cứ nghe người quen mách ở đâu có thầy giỏi chữa bệnh là chị lại khăn gói đưa chồng đến chữa bệnh, bao nhiêu tiền của, cố gắng chạy chữa đều không hiệu quả. Nhưng điều trị gần 1 tháng tại đền Thó, chồng chị Thúy đã tỉnh táo nhiều và ăn uống được nhiều hơn. Lúc trước cả ngày chồng chị chỉ đập phá, hát hò. Thậm chí có lúc còn đội cả chục cái mũ lên đầu, nhưng bây giờ đã nhận ra được vợ và biết nghe lời.
“Ở đây điều kiện ăn ở tốt, mùa hè có máy phát điện, mùa đông có bình nóng lạnh cho bệnh nhân tắm. Mỗi tháng thầy Tự còn gọi người về cắt tóc cho từng người. Thấy bệnh của chồng tiến triển tốt tôi rất vui và yên tâm”, chị Thúy vui vẻ nói.
"Thầy" Nguyễn Ngọc Tự (SN 1971) - thủ từ đền Thó cho biết, hiện tại đây vẫn có gần 40 bệnh nhân tâm thần và người nhà tới đây điều trị. |
Gặp PV, anh Nguyễn Ngọc Tự - người được gọi là "thầy" ở trên, anh vừa nhanh tay rót nước mời khách, vừa luôn miệng nhắc nhở những bệnh nhân của mình phải tập trung luyện tập, không gây sự đánh nhau kẻo sẽ bị “phạt”.
Anh Tự phụ trách trông nom đền Thó năm nay mới 45 tuổi, anh trải lòng: “Từ thời ông cha của tôi đều làm thủ từ trông coi và quản lý đền Thó. Đến nay, đã có hàng trăm bệnh nhân bị tâm thần và các bệnh sang chấn ảnh hưởng tâm lý, thần kinh đến đây chữa bệnh và có tiến triển tốt . Nhưng tôi chỉ chữa bệnh cứu người làm phúc”.
Anh Tự vẫn nhớ như in khoảnh khắc năm mình 33 tuổi, lúc cha anh giao lại nhiệm vụ chủ đền cho anh đảm nhiệm thay thì anh đã bị áp lực cỡ nào. Bởi trước đây, anh Tự vốn là một thương lái chuyên buôn bán hoa quả từ Hưng Yên lên Hà Nội và ngược lại. Đang làm ăn phát đạt, gia đình có của ăn của để thì cha mất, anh phải bỏ buôn bán về đảm nhận công việc trông nom đền Thó và chữa trị cho những người bệnh.
"Ngày đêm phải tiếp xúc với người bị tâm thần suốt ngày chửi bới, la hét, đập phá. Thậm chí, có những trường hợp bệnh nhân phóng uế bừa bãi khắp nơi rất mất vệ sinh nhưng bố tôi nhiều lần khuyên bảo, rằng nghiệp và duyên mình phải làm công việc chữa bệnh cho người điên rồi. Mình làm phúc thôi và không thể không làm được”, anh Tự chia sẻ.
Một trường hợp bệnh nhân mới đến bị bệnh nặng nên ông Tự phải cho xích một bên chân tay , hiện đang ngồi giải lao bên đống gạch vốn làm "đạo cụ" để tập luyện hàng ngày. |
Mỗi một người bệnh đến đây đều để lại cho anh Tự những ấn tượng không thể nào quên. Có những cụ già tới hơn 70 tuổi bị tâm thần hơn chục năm và gắn bó với nhà đền một thời gian dài. Nhưng vẫn kiên trì theo đuổi con đường chữa trị mà anh vạch ra nên đã dần khỏi bệnh.
“Hay như trường hợp của một cậu thanh niên chưa đầy 20 tuổi ở Hà Nội, cũng bị rối loạn thần kinh, khi mới đến còn chửi mắng cả thầy, gây gổ đánh nhau nên tôi buộc phải xích một chân 1 tay và cho đi cà nhắc để “phạt”. Tùy từng lúc mà mình phải mềm như cô giáo mầm non, hay nghiêm khắc như kỷ luật quân đội mới trị được”, anh Tự cho biết.
Theo kinh nghiệm các cụ truyền lại, điều quan trọng nhất để trị bệnh tâm thần, là phải đảm bảo miếng ăn, giấc ngủ cho người bệnh. Họ phải được ăn uống đầy đủ và được ngủ ngon, ngủ sâu, để ổn định về mặt thể chất.
Chính vì thế, với những bệnh nhân nặng, anh Tự phải xúc cho họ ăn, trông cho họ ngủ. Nhiều bệnh nhân tâm thần rất biếng ăn, thường tìm cách đổ trộm đồ ăn đi, nên anh Tự phải theo dõi sát sao, ép họ ăn hết suất.
Ở đền, những người tỉnh táo sẽ chăm sóc người bệnh nặng, không tự phục vụ được cho mình.
“Hiện nhà đền có khoảng 40 bệnh nhân vào đây điều trị. Ban đầu, có những lúc sơ ý mà thầy còn bị bệnh nhân đấm cả vào mặt, thâm tím mất mấy hôm. Nhưng lúc đó người ta bị bệnh nên mình không chấp, cứ âm thầm, kiên nhẫn chịu đựng thôi. Còn giờ đây, phương pháp chữa bệnh chỉ bằng cách luyện tập thể chất và đọc kinh sách niệm Phật đang phát huy tác dụng rõ rệt nên tôi mừng lắm”.
Cũng theo lời anh Tự, do điều kiện mặt bằng, phòng ốc ở nhà đền có hạn nên chỉ tiếp nhận và duy trì số lượng gần 40 bệnh nhân. Hàng ngày vẫn có hàng chục lượt bệnh nhân được người nhà đưa đến mong được chữa bệnh, nhưng anh Tự không dám nhận thêm vì khó quản lý.
Vị thủ từ đền Thó cũng trăn trở: “Ở thời đại mà thật - giả, trắng - đen lẫn lộn và rất khó phân biệt, ranh giới giữa tâm linh và mê tín dị đoan đôi khi cũng khó nhận ra. Điều này khiến cho một số người dân đặt nghi vấn rằng tôi đang hành nghề mê tín, dùng chiêu trò để trị bệnh tâm thần. Nhưng thật sự, chính bản thân tôi cũng rất phản đối các hành vi mang tính chất mê tín như hầu đồng, mở phủ tốn kém cả trăm triệu để chữa bệnh tâm thần mà không ít gia đình đến đây đã từng áp dụng”.
Nhiều người dân biết chuyện và hiểu cho hoạt động của nhà đền trong việc chữa bệnh này. Và tôi vẫn cứ làm theo cái tâm của mình, theo hướng tạo môi trường lành mạnh giảm áp lực tâm lý cho bệnh nhân. Tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và chỉ mong chữa được cho càng nhiều người càng tốt."
Còn nữa...
Đô thị 20:12 | 08/05/2020
Du lịch 20:10 | 08/05/2020
Kinh doanh 18:00 | 08/05/2020
Du lịch 18:00 | 08/05/2020
Nhà đất 18:34 | 15/04/2020
Nhà đất 19:28 | 12/04/2020
Đô thị 16:06 | 02/04/2020
Nhà đất 14:48 | 17/03/2020