Trong nửa tháng, Hưng Yên thành lập 5 cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng

Các cụm công nghiệp được thành lập bao gồm cụm công nghiệp Trần Cao - Quang Hưng, Quán Đỏ, Tân Dân, Văn Nhuệ và Ngô Quyền với tổng diện tích gần 250 ha và tổng vốn đầu tư 2.050 tỉ đồng.

Từ đầu tháng 4/2020 đến nay, UBND tỉnh Hưng Yên liên tiếp có quyết định về việc thành lập các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hưng Yên liên tiếp thành lập 5 cụm công nghiệp trong nửa đầu tháng 4 với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Hình mình họa một khu công nghiệp tại địa bàn tỉnh Hưng Yên. (Nguồn: Kland).

Gần nhất, ngày 13/4, tỉnh này quyết định thành lập ba cụm công nghiệp gồm cụm công nghiệp Trần Cao - Quang Hưng, cụm công nghiệp Quán Đỏ và cụm công nghiệp Tân Dân.

Cụ thể, cụm công nghiệp Trần Cao - Quang Hưng được xây dựng tại thị trấn Trần Cao và xã Cao Hùng, huyện Phù Cừ với qui mô diện tích 50,2 ha. Tổng mức vốn đầu tư dự án là hơn 582 tỉ đồng. Trong đó, vốn góp chủ chủ đầu tư là 90 tỉ đồng (chiếm 15,5%), còn lại là vốn vay. Chủ đầu tư dự án là CTCP Phát triển FUJI Hưng Yên có vốn điều lệ 200 tỉ đồng.

Ngành nghề hoạt động là công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, công nghiệp làng nghề, các ngành sản xuất kinh doanh khác phù hợp với qui hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên bao gồm sản xuất, gia công cơ khí, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp...

Tiếp theo là cụm công nghiệp Quán Đỏ thuộc địa phận xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ với diện tích khoảng 66,5 ha. Dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng từ năm 2020 trên diện tích 36,5 ha, giai đoạn 2 sau năm 2020 trên diện tích 30 ha.

Cụm công nghiệp này có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 835 tỉ đồng, trong đó, vốn góp của chủ đầu tư hơn 125 tỉ đồng, còn lại là vốn vay. Dự án do CTCP Đầu tư Hasky Hưng Yên (vốn điều lệ 200 tỉ đồng) làm chủ đầu tư. 

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, cụm công nghiệp sẽ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường; công nghiệp nhẹ; công nghệ cao sử dụng tiết kiệm năng lượng; công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chính xác; công nghiệp điện, điện tử...

Thời gian thực hiện dự kiến hai cụm công nghiệp trên từ năm 2020 đến 2023.

Bên cạnh đó, cụm công nghiệp Tân Dân có qui mô khoảng 49,6 ha được thực hiện trên địa phận xã Tân Tiến, huyện Khoái Châu sẽ được triển khai xây dựng từ năm 2020 đến năm 2021. 

Cụm công nghiệp này sẽ tập trung sản xuất hàng tiêu dùng; các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp, xây dựng; cơ khí; chế biến nông sản và tiểu thủ công nghiệp; dịch vụ công nghiệp.

Chủ đầu tư là Ban Quản dự án đầu tư xây dựng huyện Khoái Châu. Mức vốn đầu tư dự kiến khoảng 120 tỉ đồng sẽ được huy động từ các nhà đầu tư trong cụm công nghiệp ứng trước tiền sử dụng hạ tầng kĩ thuật; ngân sách tỉnh hỗ trợ, nguồn vay từ ngân sách huyện và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Trước đó, ngày 9/4, tỉnh Hưng Yên cũng ra quyết định thành lập cụm công nghiệp Văn Nhuệ tại huyện Ân Thi với qui mô diện tích 50 ha và cụm công nghiệp Ngô Quyền tại huyện Tiên Lữ với qui mô 30 ha.

Theo đó, cụm công nghiệp Văn Nhuệ do Công ty TNHH Phát triển Cụm công nghiệp Văn Nhuệ làm chủ đầu tư (vốn điều lệ 300 tỉ đồng). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 301 tỉ đồng gồm vốn tự có của chủ đầu tư và vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian triển khai thực hiện dự án từ năm 2019 đến 2022.

Cum công nghiệp này sẽ hoạt động trong ngành sản xuất kinh doanh ngành điện, điện tử, điện lạnh, điện dân dụng cơ khí, may mặc, nguyên phụ liệu ngành may, dịch vụ vận tải...

Cuối cùng là cụm công nghiệp Ngô Quyền với tổng mức đầu tư 210 tỉ đồng do Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng ALS làm chủ đầu tư. 

Được biết, cơ cấu nguồn vốn đầu tư gồm 38,1% vốn tự có của chủ đầu tư và phần còn lại là vốn hỗ trợ từ công ty mẹ là CTCP Logistic Hàng không, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác. 

ALS có vốn điều lệ đúng bằng với số vốn góp tại dự án là 80 tỉ đồng.

Theo tỉnh Hưng Yên, ngành nghề hoạt động chính của cụm công nghiệp trên là sản xuất, lắp ráp điện thoại, linh kiện điện tử, đồ da dụng; sản xuất ô tô, xe máy; công ngiệp hỗ trợ ngành ô tô, ngành điện tử - tin học, cơ khí chế tạo...

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.