Trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại Hòa Bình, một số người trong đường dây nâng điểm thi vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ...
Dư luận cho rằng: Những thí sinh được 'nâng điểm' có bị tước quyền dự thi 1-2 năm để tăng tính răn đe và cảnh báo?
Ảnh minh họa.
Trong Quy chế thi THPT hiện hành không có điều nào quy định việc xử lý tước quyền dự thi đối với thí sinh.
Việc xử lý thí sinh, ngoài việc áp dụng theo quy chế sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo đó, mục 6 điều 49 quy chế thi THPT quốc gia áp dụng từ năm 2018 (áp dụng cho năm 2019) là "Hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật" đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi, hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp".
Đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Đối với các trường hợp vi phạm khác, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định của quy chế.
Do vậy, khi quy chế không điều chỉnh thì Bộ GD&ĐT vẫn phải cho phép các thí sinh đó dự thi bình thường.
Theo Quy chế thi THPT 2018, thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT, ngoài việc phải đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn còn bảo đảm đã tốt nghiệp THCS.
Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, đối tượng này phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5.
Quy định này nhằm bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm đủ điều kiện về học lực theo quy định.
Ngoài các hồ sơ theo quy định trước đó, thí sinh tự do phải có thêm giấy xác nhận của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi về xếp loại học lực nếu xếp loại kém.
Ngoài ra, thí sinh tự do phải có bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp THCS, có giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi mình đã dự thi năm trước xác nhận.
Riêng thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp, nếu không có học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT thì phải có xác nhận của cơ sở giáo dục và đào tạo nơi mình theo học về việc đã hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.