Bí mật về binh đoàn khổng lồ ở Trung Quốc trong danh sách cấm vận của Mỹ

Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương là một đơn vị kinh tế với qui mô thuộc loại khủng của Trung Quốc, doanh thu một năm tương đương với GDP của cả một quốc gia như Campuchia hay Iceland.

Một trong những tổ chức khổng lồ nhưng cũng ít được biết đến nhất của Trung Quốc là Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) bỗng thu hút sự chú ý của thế giới sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận với cáo buộc vi phạm nhân quyền.

XPCC hoạt động chủ yếu tại khu tự trị Tân Cương – một vùng đất dân cư thưa thớt ở phía tây bắc Trung Quốc. Tân Cương có chung đường biên giới với Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và có diện tích gấp ba lần nước Pháp.

Ngày 31/7 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh cấm vận đối với XPCC và một số nhân vật cốt cán của Binh đoàn này gồm: Bí thư đảng ủy Trần Toàn Quốc, cựu Bí thư đảng ủy Tôn Kim Long và Phó Bí thư đảng ủy Bành Gia Thụy. Các tổ chức và cá nhân của Mỹ sẽ dừng mọi giao dịch với XPCC, các công ty con và các lãnh đạo có tên trên.

Một binh đoàn như một tiểu vương quốc

Xét theo số đơn vị bị ảnh hưởng, việc đưa XPCC và các công ty con vào danh sách cấm vận có lẽ là bước đi lớn nhất trong lịch sử Văn phòng Quản lí Tài sản Nước ngoài – cơ quan thuộc Bộ Tài chính Mỹ chịu trách nhiệm thực thi các lệnh trừng phạt về tài chính.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), quyết định của Mỹ có ảnh hưởng tới XPCC trên nhiều phương diện khác nhau, từ ngăn chặn dòng vốn vay ngân hàng đến hạn chế xuất khẩu nông sản chẳng hạn như bông và cà chua. Các khoản đầu tư của XPCC cũng có thể bị đe dọa.

XPCC có hoạt động trên hàng loạt ngành nghề, từ xây dựng và cơ sở hạ tầng tới bất động sản và nông nghiệp. Theo công ty tư vấn và thông tin thương mại Sayari của Mỹ, XPCC góp cổ phần vào hơn 800.000 doanh nghiệp và tổ chức ở 147 quốc gia.

Tân Cương chi phối nguồn cung bông của Trung Quốc, riêng XPCC sản xuất khoảng 2 triệu tấn bông trong năm 2018, tương đương 1/3 tổng sản lượng cả nước. Trung Quốc còn là nước xuất khẩu cà chua lớn nhất thế giới và XPCC cũng là đơn vị hàng đầu về canh tác cà chua.

Lệnh cấm vận được Mỹ đưa ra kèm cáo buộc XPCC tham gia vào các hoạt động vi phạm nhân quyền.

Cụ thể, Mỹ cho rằng khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người thiểu số khác ở khu tự trị Tân Cương bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức và bị theo dõi, giám sát gắt gao. Phía Trung Quốc thì gọi các cơ sở này là trại cải tạo phục vụ cho nỗ lực chống khủng bố và li khai.

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn, nổi tiếng của Trung Quốc như Hikvision, Dahua Technology cũng từng bị Mỹ cho vào danh sách đen với cáo buộc cung cấp thiết bị và công nghệ hỗ trợ hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Theo SCMP, các chuyên gia pháp lí cho rằng việc thực thi lệnh cấm vận với XPCC sẽ vấp phải nhiều khó khăn vì qui mô khổng lồ của Binh đoàn này. Học giả Thomas Cliff tại Trường Đại học Quốc gia Australia đã gọi XPCC là "một nhà nước nằm trong một nhà nước".

Chính XPCC cũng tự coi mình như vậy. Theo một báo cáo năm 2018 của XPCC, Binh đoàn này gọi doanh thu của mình là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với giá trị 251,5 tỉ nhân dân tệ (36,4 tỉ USD). Trong đó, giá trị xuất khẩu là 5,88 tỉ USD.

Doanh thu của XPCC lớn hơn GDP danh nghĩa năm 2019 của một số quốc gia như Nepal, Campuchia hay Iceland, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB).

Điều ít biết về binh đoàn khổng lồ của Trung Quốc trong danh sách cấm vận của Mỹ - Ảnh 2.

Năm 2018, Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) cung cấp khoảng 2 triệu tấn bông, tương đương 1/3 tổng sản lượng bông toàn Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã)

XPCC hoạt động như một chính phủ khi vận hành cả trường học, lực lượng cảnh sát và cơ sở y tế cho nhân viên và gia đình ở nhiều thành phố thuộc khu tự trị Tân Cương.

Ông Fred Rocafort, một nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc và hiện làm việc cho hãng luật quốc tế Harris Bricken, cho rằng các lệnh cấm vận là bước phát triển tích cực trong cách nước Mỹ xử lí vấn đề tại Tân Cương. Tuy nhiên, việc động chạm đến XPCC vẫn là điều gây ngạc nhiên.

"Tôi khá bất ngờ. Cấm vận XPCC cũng tương đương với trừng phạt một tỉnh hay một thành phố siêu lớn của Trung Quốc. Ở Trung Quốc không có nhiều thực thể, dù là chính trị hay kinh doanh, có qui mô khủng khiếp như XPCC", ông Fred Rocafort nói.

SCMP đã liên hệ với Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) qua email nhưng không nhận được phản hồi.

Đa phần các khoản đầu tư của XPCC đều được quản lí bởi công ty con 100% mang tên Tập đoàn quản lí Tài sản Nhà nước XPCC. Các khoản đầu tư này bao gồm 13 doanh nghiệp giao dịch đại chúng tại Trung Quốc như Công ty Sản phẩm Cà chua Tân Cương Chalkis và công ty rượu Tân Cương Yilite.

Binh đoàn gần 70 năm tuổi đời

XPCC được thành lập vào năm 1954 theo lệnh của Chủ tịch Mao Trạch Đông dưới hình thức một tổ chức bán quân sự. Lúc này, người Hồi Duy Ngô Nhĩ chiếm khoảng 3/4 dân số Tân Cương. 

Ban đầu, XPCC chỉ thuê các lao động là quân nhân giải ngũ. Binh đoàn này được giao nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía tây bắc, phát triển vùng biên cương bằng cách khai hoang đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, cầu cống.

SCMP dẫn số liệu thống kê của chính phủ cho biết hiện nay, Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) có biên chế gồm 14 sư đoàn và hơn 170 trung đoàn, sử dụng 3,1 triệu lao động, chủ yếu là người Hán Trung Quốc. Hiện nay dân số của khu tự trị Tân Cương là khoảng 22 triệu người, gần 40% trong số này là người Hán.

XPCC là một tổ chức bí mật và việc tiếp cận thông tin về hoạt động của Binh đoàn này là hết sức khó khăn. XPCC có cấu trúc theo kiểu quân đội và chỉ báo cáo cho chính quyền khu tự trị Tân Cương và chính quyền trung ương Bắc Kinh.

Theo học giả Bao Yajun - người viết một nghiên cứu về XPCC năm 2018, XPCC đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tăng trưởng dân số chậm lại và làm ăn thua lỗ. 

Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn tiếp tục tài trợ cho Binh đoàn này bằng việc cung cấp tới 90% chi phí hoạt động trong những năm gần đây. Nguyên nhân là XPCC rất quan trọng đối với việc quản trị ở Tân Cương và đóng vai trò thiết yếu trong xây dựng Sáng kiến Vành đai - Con đường từ Tân Cương sang khu vực Trung Á.

Khi quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, chính quyền Washington đã có nhiều hành động trừng phạt các tổ chức và cá nhân bị cho là vi phạm nhân quyền. Kể từ tháng 10/2019, XPCC đã bị cấm tiếp nhận công nghệ và hàng hóa Mỹ.

Đến tháng 5/2020, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật mở đường cho quyết định trừng phạt XPCC và các lãnh đạo cấp cao của Binh đoàn này vào ngày 31/7/2020.

Hoạt động của XPCC thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn trước khi phải đối mặt thêm các lệnh cấm vận từ Mỹ. Thậm chí, các ngân hàng quốc tế có thể sẽ phải dừng giao dịch với XPCC.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.