Bí thư Hà Nội muốn đường sắt Cát Linh vận hành trước tháng 10

Theo ông Vương Đình Huệ, do chậm tiến độ nên rất khó để giữ chân đội ngũ quản lí, vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông. Dự án khai thác sớm ngày nào thì tốt cho Hà Nội ngày đó.

Bên hành lang Quốc hội chiều 8/6, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ trao đổi với báo chí về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông Huệ cho biết dự án có 13 chứng chỉ an toàn thì đã đạt được 12, chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế thì mới đánh giá được.

“Dự án phải chạy được thì tư vấn Pháp họ mới có thể thực hiện đánh giá”, ông Huệ nói.

Về thông tin tổng thầu Trung Quốc đòi thanh toán 50 triệu USD để chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bí thư Hà Nội nói đó là trao đổi giữa tổng thầu Trung Quốc và Bộ GTVT, vì chủ đầu tư dự án là Bộ GTVT.

Bí thư Hà Nội muốn đường sắt Cát Linh vận hành trước tháng 10 - Ảnh 1.

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng dự án Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác sớm ngày nào sẽ tốt cho Hà Nội ngày đó (Ảnh: Việt Linh).

Vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo ông Huệ, là thiếu các chuyên gia phía Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song, ông nói đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết khi các chuyên gia sang, Hà Nội sẽ bố trí nơi cách li tập trung theo đúng quy định, hết thời gian cách li nếu kết quả kiểm tra dịch tễ tốt thì các chuyên gia sẽ trở lại làm việc bình thường.

Một vướng mắc khác là về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án hiện chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong dự án này, ông Huệ cho hay vai trò của Hà Nội là tiếp nhận và vận hành dự án. Sau này, tất cả vốn đầu tư, nợ của dự án là Hà Nội tiếp nhận và có nghĩa vụ trả nợ.

Ngoài ra, Hà Nội có một Tổng công ty đường sắt, đơn vị này sẽ phải đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành dự án. Tuy nhiên, ông Huệ cho biết do dự án chậm tiến độ nên để càng lâu thì giữ chân được đội ngũ lao động này cũng rất khó khăn.

“Dự án khai thác sớm được ngày nào thì tốt cho Hà Nội ngày đó, vì thế Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT, lập Tổ công tác liên ngành để 'gỡ' vướng. Lãnh đạo Tổ công tác phía Bộ GTVT là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Hà Nội là Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng”, ông Huệ thông tin.

Ông cho biết Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT, việc gì liên quan tới Hà Nội thì Hà Nội sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng.

Theo kinh nghiệm, ông cho rằng cốt lõi là phải chuẩn bị đầu tư hết sức kỹ lưỡng thì triển khai mới thông suốt và hiệu quả được.

Ông Huệ nhắc lại việc Thủ tướng giao Bộ GTVT phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2020. Bản thân Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt, trước tháng 10 càng tốt.

“Hiện, Tổ công tác giữa Bộ GTVT và Hà Nội chưa có báo cáo cuối cùng về tiến độ”, ông Huệ nói.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng "lỡ hẹn" và phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4/2019, nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn không thể đưa vào khai thác và cũng chưa xác định thời gian hoàn thành.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.