Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Chủ thể để phát triển ĐBSCL chính là doanh nghiệp và người nông dân. Dù vài chục năm nay người ta hay nói về ĐBSCL nhưng rồi cứ mãi loay hoay thế.
Điểm nghẽn chính là tư duy
Một trong những loay hoay chính là ta đặt vấn đề nhiều quá. Tôi thấy đề tài nào cũng là sống còn của ĐBSCL như sạt lở, giao thông…
Có lẽ những điều này đụng chạm đến cơ chế và nhiều vấn đề khác, vì thế tôi nghĩ chúng ta nên phải tập trung vào một đề tài nghiên cứu về kinh tế, nhất là phát huy tiềm năng bản địa.
Theo tôi, điểm nghẽn trong phát triển ĐBSCL là tư duy chăm chăm sản xuất chứ không phải tư duy kinh tế, là sản xuất nông nghiệp chứ không phải kinh tế nông nghiệp.
Từ xưa đến giờ chúng ta tập trung cho sản xuất. Tất cả chính sách đều hướng đến người sản xuất mà chưa hướng đến một chuỗi để khai thông hệ thống phân phối hoặc là chế biến từ những tài nguyên bản địa.
Tôi từng đặt hàng cho các chuyên gia rằng nếu nghiên cứu về kinh tế thì hãy chuyển tư duy từ một nền sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp, và chỉ ra đâu là lực đẩy, đâu là lực kéo.
Hoặc trong vấn đề mở rộng hạn điền để tích tụ ruộng đất thì đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn.
Hay đối với vấn đề di dân ĐBSCL lên các tỉnh miền Đông để lao động thì đâu là điểm sáng, đâu là điểm tối. Hay là trong sáng có tối và trong tối có sáng?
Tôi nghĩ, nếu muốn được tất cả thì không được gì cả, vì thế nếu làm được gì thì ta nên tập trung làm ra kết quả hẳn hoi, coi đó vừa là khuyến nghị chính sách với Chính phủ vừa khuyến nghị hành động của địa phương. Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan |
Nói về ĐBSCL, nói về liên kết vùng thì cứ mãi loay hoay hoài vì 13 tỉnh lớn quá, ông có rừng, ông có biển, ông có đảo, nước ngọt.... nói mãi mà không ra được.
Tôi viết thư lên Thủ tướng đề nghị để chừng 3 tỉnh có chung một hệ sinh thái đất ngập nước, cánh đồng mẫu… liên kết nhỏ trước.
Và Thủ tướng đồng ý cho Đồng Tháp làm, sau đó mới nhân ra tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, các tỉnh Duyên hải…
Như một doanh nhân nói, khi làm bản địa mình phát huy được những sản vật của Đồng Tháp Mười.
Nếu chịu khó nghiên cứu và phân tích thì không chừng gạo của Đồng Tháp Mười sẽ đắt hơn gạo của tứ giác Long Xuyên, vì hệ sinh thái khác nhau.
Chính hệ sinh thái đó sẽ là tiềm năng bản địa có thể cũng là lúa, cá tra… nhưng cá vùng này khác vùng kia.
Và như thế chúng ta sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm tương đồng về chủng loại nhưng khác nhau về sản phẩm.
Mà tư duy này phải làm sao chuyển qua được những người làm lãnh đạo vì lãnh đạo không có tư duy kinh tế thì rất khó dẫn dắt.
Tôi ngồi nói chuyện với mấy ông cá tra như muốn khóc vậy. Ai cũng nói phải liên kết lại, vì sao đã xây dựng những chuỗi này kia rồi mà vẫn không được. Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan |
Tôi cảm giác điểm nghẽn của ĐBSCL là nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp là tư duy thương vụ, và chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ. |
Làm sao cạnh tranh với xoài Thái?
Tôi biết đã có nhiều thay đổi từ doanh nghiệp và nông dân, nhưng lực kéo lại lớn hơn lực đẩy.
Như nông dân hỏi: Ông kêu tôi trồng sạch nhưng liệu người ta có mua giá cao hơn tôi không trồng sạch không?
Hay vấn đề chi phí, có người lại kêu: Chi phí trái xoài của Đồng Tháp cao hơn xoài Thái Lan, như thế làm sao cạnh tranh lại với sản phẩm của doanh nghiệp Thái họ cũng làm y như thế?
Tôi trả lời bà con nông dân trồng xoài Đồng Tháp rằng: người Thái họ chở xoài qua mình 1.000 km, với bao chi phí, vậy mà người ta vẫn bán được ở ngay chợ xoài Cao Lãnh, thì mình phải nghĩ về điểm nghẽn của mình.
Điểm nghẽn đó chính là bà con mình xưa nay không có tư duy kinh tế.
Trong khi đó, người ta lại làm rất khác, khác cách mà nhiều người thương ĐBSCL đang làm nhưng làm chưa đúng. Hình như mình có gì sai sai ở đây!
Nông dân Cao Lãnh, Đồng Tháp thu hoạch xoài - Ảnh: T.NHƠN
Sau Hội nghị về Phát triển ĐBSCL do Chính phủ tổ chức, một Diễn đàn có tên Mekong Connect sẽ diễn ra vào trong hai ngày 25 và 26-10-2017 tại Bến Tre bàn cách phát triển các tài nguyên bản địa. Nội dung lược trích trên đây là phần phát biểu của ông Lê Minh Hoan tại cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhằm chuẩn bị cho sự kiện này |