Bí thư TP HCM đề xuất Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất để dập dịch Covid-19

Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn dịch Covid.

Đề xuất áp dụng biện pháp cao nhất để dập dịch ở Đà Nẵng

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng chống dịch Covid-19 ngày 2/8, đại diện Bộ Y tế cho biết, sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. 

Dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4 - 5 chu kì lây nhiễm với hai thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5/7 - 8/7 và từ 16/7 - 20/7. 

TP HCM đề nghị Đà Nẵng cách li như ở Vũ Hán - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP HCM kiến nghị cần có biện pháp quyết liệt hơn để chống dịch ở Đà Nẵng. (Ảnh: Trung Hiếu/Báo Thanh Niên).

Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lẫy nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, đồng thời việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn.

Tờ Thanh niên đưa tin, tại cuộc họp nói trên, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng,  chúng ta đang bước vào giai đoạn mới, "bắt đầu bước vào làn sóng thứ hai.

"Sắp tới có nguy cơ gì không? Hiện chúng ta không có đủ thông tin để dự báo, nhưng từ đồ thị của đất nước, chúng tôi dự báo từ 23/8- 30/8 là nguy cơ, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân, cả nước sẽ có 970 người điều trị trong bệnh viện (hiện chỉ có 216 thôi). Nếu không làm quyết liệt, thì sau thời gian vàng 30 ngày sắp tới, ta sẽ vào diện cả quốc gia có dịch. Chúng ta đang có nguy cơ trong 30 ngày tới nên cần có chủ trương quyết liệt", báo Thanh Niên trích lời Bí thư TP HCM.

Liên quan đến vùng dịch Đà Nẵng, tờ ZingNews đưa tin, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Cần xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm, mức độ rất cao. Số ca nhiễm tăng vọt lên do làm xét nghiệm, dự báo còn nhiều nữa”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan điểm góp ý với Đà Nẵng phải áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn dịch.

"Cao nhất là thế nào? Kinh nghiệm quốc tế, cụ thể ở Vũ Hán thì khi xảy ra dịch ở mức cao nhất, ban đầu họ yêu cầu tất cả gia đình ở nhà, một ngày thì chỉ được một người đi chợ một lần. Sau một thời gian, họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà",  Zingnews dẫn lời của lãnh đạo TP HCM.

Một vấn đề khác được Bí thư TP HCM đề cập là việc Đà Nẵng và cả nước phải tính toán năng lực cách li.

Theo Cổng thông tin Đảng bộ TP HCM, kinh nghiệm của TP HCM, cứ một người nhiễm thì phải cách li 280 người liên quan, nếu áp dụng số này cho Đà Nẵng với hơn 100 người nhiễm thì cần hơn 28.000 chỗ cách li ở các cấp.

“Rõ ràng không thể có chỗ cách li cho 28.000 người. Đà Nẵng đang cho xây dựng bệnh viện dã chiến ở trung tâm thể thao với 1.000 chỗ, nhưng so với số người 28.000 thì rất nhỏ bé", ông Nhân nói. Do đó, theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao cách li ở nhà thực sự hiệu quả.

Bí thư TP HCM đồng thời cũng đồng quan điểm và nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp: "Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khu phố là một pháo đài chống dịch".

Từ đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất với Bộ Y tế nghiên cứu, hướng dẫn về cách li gia đình cho người dân Đà Nẵng cũng như những địa phương có nguy cơ là ổ dịch.

Đà Nẵng tính phương án sẵn sàng cách li tại nhà

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, chiến lược của Đà Nẵng rõ ràng là xét nghiệm, truy vết, cách li, phong tỏa và dập dịch. Thành phố yêu cầu củng cố các tổ giám sát Covid-19 ở cộng đồng, trở thành công cụ ở cơ sở để tăng cường giám sát và cách li.

Đà Nẵng sẵn sàng phương án cách li tại nhà để chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (trái) kiểm tra tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn sáng ngày 2/8 (Ảnh: Phan Chung).

“Trong trường hợp số lượng bùng phát, tăng nhanh chúng tôi đã tính đến phương án cách li trong cộng đồng, tức là cách li tại nhà, nhưng qui trình này phải thực hiện một cách chặt chẽ”, Vietnamnet dẫn lời của Chủ tịch Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho biết, hiện Bộ Y tế chưa khuyến khích hình thức này, nhưng thành phố đã sẵn sàng.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang bàn tới việc có thêm bệnh viện dã chiến thứ hai là Trung tâm Hội chợ triển lãm. Ông Thơ đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, nghiệm thu và công nhận bệnh viện dã chiến càng sớm càng tốt để điều trị.

Tính đến 6h ngày 3/8, cả nước có tổng cộng 621 ca mắc Covid-19, trong đó 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.

Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 174 ca.

Tính từ 18h ngày 2/8 đến 6h ngày 3/8 có một ca mắc mới.

Đến thời điểm này đã có 373/620 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm tổng số ca bệnh.

Tính đến sáng ngày 2/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 12 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 231 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.

Số trường hợp tử vong: 6 ca.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.