"Việt Nam không phải là một nước thao túng tiền tệ", đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay sau khi Bộ Tài Chính Mỹ đã gán mác "thao túng tiền tệ" cho Việt Nam trong báo cáo tháng 12.
Theo cáo buộc này, Việt Nam đã vượt ngưỡng cả ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.
Tuy nhiên, NHNN cho biết các chính sách tiền tệ của Việt Nam được ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau nhưng "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng".
Những yếu như thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố, trong đó có các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với đó, việc NHNN mua ngoại tệ thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, củng cố dự trữ ngoại hối vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Trên thực tế, sau cáo buộc này, Việt Nam sẽ có một năm để đối thoại song phương, tiến hành trao đổi để tháo gỡ các vấn đề liên quan.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau khi bị đưa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, Việt Nam vẫn chưa lập tức bị ảnh hưởng ngay từ các biện pháp trừng phạt từ phía chính quyền Mỹ.
VCBS đưa ra kịch bản cơ sở với kỳ vọng Mỹ sẽ không tiến hành các biện pháp trừng phạt thuế quan trên diện rộng với Việt Nam mà thay vào đó các biện pháp giải quyết vấn đề sẽ được thu xếp qua đàm phán song phương giữa các cơ quan ngoại giao và thương mại hai bên.
Tuy nhiên, thông tin này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới mức độ linh hoạt trong sử dụng công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến tăng cường dự trữ ngoại hối và điều hành tỷ giá.
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã đưa ra một số biện pháp Việt Nam có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro bị gán mác "thao túng tiền tệ" từ Chính phủ Mỹ.
Cụ thể, Việt Nam có thể trao đổi thông tin với Bộ Tài chính Mỹ về nhu cầu gia tăng dự trữ ngoại hối là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam nhận được nhiều khuyến cáo của các tổ chức tài chính về thiếu hụt dự trữ ngoại hối.
Thứ hai, Việt Nam có thể làm rõ chính sách của NHNN, hoàn toàn không sử dụng công cụ tỷ giá hay định giá thấp VND một cách có chủ ý để hỗ trợ xuất khẩu.
Cùng với đó, Việt Nam có thể cải thiện tình trạng xuất siêu sang Mỹ thông qua việc cam kết mua thêm sản phẩm, hàng hóa Mỹ, đồng thời có các biện pháp hạn chế tối đa việc hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tìm đường tới Mỹ.
Về lâu dài, NHNN sẽ cần phải ưu tiên sử dụng các công cụ khác của chính sách tiền tệ ngoài việc mua tăng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Theo VCBS đánh giá, NHNN nhiều khả năng sẽ hạn chế hơn trong việc mua ồ ạt và liên tục lượng lớn USD trên thị trường. Đồng thời cần cân nhắc hạ giá mua USD tại một số thời điểm.
Các chuyên gia phân tích của VCBS dự báo có thể trong năm 2021, VND sẽ lên giá so với USD, biên độ dao động của tỷ giá khoảng trên dưới 0,5 điểm %.
Tuy nhiên, VCBS nhận định việc VND đang chịu áp lực tăng giá sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới xuất khẩu bởi xuất khẩu được đóng góp chủ yếu bởi khối FDI và đồng tiền của nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang chịu áp lực tăng giá so với USD.
Hơn thế nữa, việc VND mạnh cũng được nhìn nhận là thông tin tích cực trên góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn từ góc độ lãi suất, NHNN có thể sẽ ưu tiên sử dụng nhiều hơn các công cụ lãi suất điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Nói cách khác, điều này sẽ củng cố cho kỳ vọng lãi suất điều hành có thể sẽ giảm thêm trong thời gian tới, phần nào giảm bớt áp lực mạnh lên của VND.
Nhìn từ góc độ thị trường chứng khoán, trong trung hạn, VCBS tin rằng thông tin này sẽ ít khả năng có tác động tiêu cực đến diễn biến và xu hướng của thị trường, mà chỉ có một bộ phận các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi kết luận của Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến thuế chống trợ cấp.
Trong Báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam đã vi phạm ba tiêu chí và bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.
Sau khi có thông tin chính thức về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ, NHNN đã ra thông cáo khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Theo đó, việc mua ngoại tệ nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Các cơ quan quản lý cả từ chính phủ, NHNN và các Bộ ngành liên quan đã và đang tiến hành các biện pháp trên nhiều lĩnh vực và mặt trận có thể nhằm giảm thiểu khả năng Việt Nam bị chính thức gắn mắc thao túng tiền tệ cũng như bị áp các lệnh trừng phạt sau đó.