Biến tướng dự án nhà ở tại TP HCM– Bài 2: Nghịch cảnh Khu Liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng

Thu hồi đất công từ các đơn vị Nhà nước sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả nhưng sau đó lại giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh doanh nhà ở thương mại mà không qua đấu giá.

Sau khi thành lập pháp nhân làm dự án, doanh nghiệp trong nước đã bán hết cổ phần thu lợi nhuận để cho chủ đầu tư nước ngoài thâu tóm trong khi quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án bị “lãng quên”. Câu chuyện xảy ra tại dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng, quận Tân Phú, TP HCM à một ví dụ.

Khuất tất khi giao 90,8 ha đất công

Trong tháng 4 và 5/2006, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định về việc thu hồi 51,8 ha và 39 ha đất tại phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú để bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất xây dựng Khu Liên hợp văn hoá thể thao và dân cư Tân Thắng (gọi tắt là dự án Tân Thắng), bàn giao cho Trung tâm khai thác quỹ đất thành phố quản lý, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng; trong đó, diện tích 39 ha do Công ty Bò sữa thành phố (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn với nhiều sai phạm quản lý đất công đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi) và Trường Sư phạm Kỹ thuật phổ thông thành phố sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả.

Tại cuộc họp ngày 19/6/2007, ông Nguyễn Hữu Tín (hiện là bị can trong vụ án đất đai liên quan đến Vũ Nhôm), lúc này đang là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (gọi tắt là Công ty Sacomreal) đầu tư dự án Tân Thắng với quy mô 90,8 ha, yêu cầu Sacomreal phối hợp với UBND quận Tân Phú tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Đến tháng 9/2007, ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo việc Công ty Sacomreal được thay thế Trung tâm khai thác quỹ đất thành phố (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất) phối hợp với UBND quận Tân Phú, Sở Tài chính thành phố thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng và chịu trách nhiệm chi trả tiền cho việc bồi thường, quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng. Như vậy, 90,8 ha đất công đã được giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá.

Sau khi Công ty Sacomreal đền bù 80% trên tổng diện tích đất thu hồi, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty Sacomreal thành lập công ty trực thuộc là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (gọi tắt là Công ty Tân Thắng) tiếp tục thực hiện đầu tư dự án Tân Thắng. Công ty Tân Thắng sẽ kế thừa và trực tiếp điều hành, quản lý dự án trên cơ sở quyền và nghĩa vụ của Công ty Sacomreal. Kể từ thời điểm này Sacomreal không còn là chủ đầu tư mà chỉ còn tư cách là cổ đông trong Công ty Tân Thắng.

Đáng chú ý, tháng 7/2010, UBND TP Hồ Chí Minh có Thông báo số 444/TB-VP chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thắng chuyển nhượng một phần vốn cho Công ty Gamuda Land Sdin Bhd Malaysia để tiếp tục thực hiện dự án Tân Thắng. Từ đó, Công ty Gamuda Land Sdin Bhd Malaysia trở thành cổ đông sở hữu tới 60% vốn điều lệ của Công ty Tân Thắng.

Đến tháng 6/2015, các nhóm cổ đông sở hữu 40% còn lại vốn sở hữu điều lệ của Công ty Tân Thắng; trong đó, có Sacomreal hoàn tất việc bán hết cổ phần cho Gamuda Land Sdin Bhd Malaysia. Từ đây, Công ty Tân Thắng trở thành Công ty Gamuda Land, doanh nghiệp ngoại thâu tóm toàn bộ dự án Tân Thắng.

Hiện tại, dư luận băn khoăn, trước khi Gamuda Land mua hết toàn bộ cổ phần của Công ty Tân Thắng thì Sacomreal và công ty trực thuộc là Công ty Tân Thắng chưa hoàn tất việc đền bù, giải toả mặt bằng, tái định cư nhưng đã từng bước bán hết cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài, trái với chủ trương chỉ cho chuyển nhượng một phần vốn điều lệ như chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh. Điều này dẫn tới các tranh chấp phát sinh về bồi thường và tái định cư cho người dân về sau.

Gía đền bù không thống nhất

Tháng 10/2011, Khối Phát triển dự án, Tổ pháp lý dự án và đất đai thuộc Công ty Sacomreal trình Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Công ty Sacomreal về việc bố trí căn hộ tái định cư tại dự án Tân Thắng với giá ưu đãi cho nhiều cán bộ ở quận Tân Phú.

Trong khi đó, nhiều người dân có nhà, đất bị di dời bởi dự án Tân Thắng phải sống chật vật, khiếu nại nhiều năm mà quyền lợi chưa được giải quyết dứt điểm do bị tính sai thời điểm áp giá đền bù. Cụ thể, một số người dân đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho Công ty Sacomreal từ năm 2008 theo các đơn giá mà UBND quận Tân Phú đưa ra là 1,69 triệu đồng/m2, 1,21 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, đến năm 2010, một số hộ khác đi khiếu nại thì được UBND quận Tân Phú áp giá đền bù 6,6 triệu đồng/m2 và 8 triệu đồng/m2. Sự thiếu nhất quán, không công bằng này khiến người dân “gõ cửa” khắp các cơ quan, đơn vị từ Công ty Sacomreal, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Phú, UBND quận Tân Phú nhưng cuối cùng họ được hướng dẫn một cách hết sức thờ ơ: "Nếu không đồng ý thì khởi kiện ra toà" (!).

Với số tiền nhận đền bù, bồi thường, hỗ trợ nói trên, người dân không đủ sức mua căn hộ tái định cư tại dự án Tân Thắng khi mà giá bán căn hộ tái định cư được Công ty Sacomreal, Công ty Gamuda Land, UBND quận Tân Phú thông báo từ mức 12 triệu đồng/m2, 16,96 triệu đồng/m2 và 18,77 triệu đồng/m2, khiến nhiều người đã lâm cảnh trắng tay.

Hiện nay, giữa Công ty Sacomreal và Công ty Gamuda Land chưa thống nhất quan điểm trách nhiệm hỗ trợ thêm tiền do tính sai thời điểm đền bù cho người dân. Trong khi đó,  dự án Tân Thắng đang được rao bán rầm rộ dưới cái tên mỹ miều “Khu đô thị xanh Celadon City Tân Phú” với giá bán thương mại từ 30 – 45 triệu đồng/m2…

Bài cuối: “Xẻ thịt” bệnh viện xây nhà cao tầng

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.