Biến tướng dự án nhà ở tại TP HCM: Căn hộ tái định cư thành nhà ở thương mại

Thời gian qua, có nhiều dự án nhà ở, từ kinh doanh thương mại đến nhà ở xã hội, tái định cư đã tuân thủ quy định pháp luật, cơ bản đáp ứng được nhu cầu người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn không ít dự án lớn bị biến tướng, làm sai lệch chủ trương cũng như quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Biến tướng dự án nhà ở tại TP HCM: Căn hộ tái định cư thành nhà ở thương mại - Ảnh 1.

Một dự án nhà ở tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức).

Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM được phê duyệt với quy mô 930 ha; bao gồm: 160 ha tái định cư cho khoảng 45.000 người. Trong 4 dự án tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 3 dự án đã hoàn thành, bàn giao và thanh toán với UBND thành phố.

Dự án tái định cư còn lại gồm 1.330 căn hộ tái định cư (tên gọi thương mại hiện nay là New City Thủ Thiêm) do liên danh Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Việt, Công ty Sacomreal, Công ty cổ phần sản xuất thương mại Thành Thành Công làm chủ đầu tư. Trong khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng đối với 1.122 căn.

Dự án 1.330 căn hộ tái định cư nói trên nằm trong khu dân cư 38,4 ha ở phường Bình Khánh, quận 2 thuộc Chương trình 12.500 căn tái định cư Thủ Thiêm. Thành phố giao đất không tính tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp làm dự án. Sau đó, thành phố ứng tiền mua lại căn hộ để tái định cư cho người dân.

Tuy nhiên, theo UBND TP Hồ Chí Minh, 1.330 căn tái định cư này nằm trong 5.626 căn tái định cư dôi dư không có nhu cầu tái định cư. Vì vậy, để tránh lãng phí, UBND thành phố đã đàm phán, thương thảo với chủ đầu tư để không tiếp tục thực hiện việc thanh toán và mua lại quỹ nhà, chủ đầu tư tiếp tục phát triển dự án theo quy hoạch trên khu đất được giao mặt bằng với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại. Thành phố sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường.

Từ đó, thành phố chấp thuận việc tạm nộp giá trị quyền sử dụng đất dự án 1.330 căn hộ (tại lô R8, R9 - Khu đô thị mới Thủ Thiêm) và xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường để thu tiền sử dụng đất. Phía liên danh chủ đầu tư tạm nộp tiền sử dụng đất lô R8, R9 với giá 26 triệu đồng/m2, tổng giá trị quyền sử dụng đất tạm nộp là 712,218 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thông báo số 1041/TB-TTCP ngày 26/6/2019 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước trong quy hoạch, xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ rõ: Nhà đầu tư thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại, chuyển nhượng cho người sử dụng 1.122 căn. Đồng thời, UBND thành phố đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất.

Đơn giá 26 triệu đồng/m2 mà thành phố xác định là giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư hoặc tự thoả thuận khi giao đất cho chủ đầu tư tại các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định. Toàn bộ quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách. Nhưng các sở ngành và UBND thành phố đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách Nhà nước. Từ đó, dẫn đến tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định.

Trước việc UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi căn hộ tái định cư dôi dư sang nhà ở thương mại, Bộ Tài chính cho rằng thành phố cần có tổng hợp, đánh giá nhu cầu quỹ nhà tái định cư trên toàn địa bàn thành phố trước mắt cũng như lâu dài. Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất đối với dự án 1.330 căn hộ đã đầu tư xây dựng tổ chức đấu giá công khai để giao đất có thu tiền sử dụng đất khi chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại.

Hiện nay dự án tái định cư 1.330 căn nói trên đã được chủ đầu tư lấy tên thương mại là New City Thủ Thiêm và bán giá thương mại cho khách hàng trong khi chưa có chủ trương chấp thuận việc chuyển đổi từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đã được Thanh tra Bộ Xây dựng và Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, có kết luận.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về các sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, dư luận và đặc biệt là những người dân Thủ Thiêm bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm hết sức bức xúc trước việc chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế và rao bán thương mại 1.330 căn hộ tái định cư khi việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo sai phạm tại đây chưa có điểm cuối cùng.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.