Zing.vn lược dịch bài phân tích theo quan điểm của Tim Schwab, từ The Nation.
“Không chỉ trực tiếp tạo ra lợi ích cho xã hội, từ thiện có chiến lược còn làm giảm mức độ giàu có của các nhà đại tư sản ở Mỹ”, Bill Gates viết trên trang blog GatesNote của mình.
Nhưng, The Gates Foundation lại đối mặt với những chỉ trích liên quan đến các khoản đầu tư vào nhà tù, đồ ăn nhanh, công nghiệp vũ khí, công ty dược phẩm và dầu mỏ. Những tài trợ này bị cáo buộc mâu thuẫn sứ mệnh cải thiện sức khỏe và hạnh phúc quỹ đặt ra.
Các khoản đầu tư trị giá đến 50 tỉ USD đã tạo ra 28,5 tỉ USD thu nhập trong vòng năm năm qua. Cùng thời gian này, quỹ chỉ trao 23,5 tỉ USD là tài trợ từ thiện.
Vào năm 2007, trong một số ít loạt bài báo điều tra về quỹ được xuất bản, tờ Los Angeles Times mô tả sơ lược các khoản đầu tư vào quỹ dưới dạng cho vay thế chấp, gồm những khoản đầu tư vào các bệnh viện có thu lợi nhuận bị cáo buộc thực hiện phẫu thuật không cần thiết. Tờ Times cũng cho biết những khoản đầu tư của quỹ vào nhà máy chocolate phụ thuộc vào sản phẩm cacao sử dụng lao động trẻ em.
Trả lời cho những cáo buộc trên, người phát ngôn quỹ Gates cho hay: “Chúng tôi không bình luận về những quyết định đầu tư cụ thể”.
The Gates Foundation hiện có 11,5 tỉ USD cổ phiếu ở Berkshire Hathaway và 32 triệu USD đầu tư vào công ty chocolate bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em Mondelez. Quỹ cũng tài trợ 32,5 triệu USD cho Quỹ Cacao Thế giới có Mondelez làm thành viên nhằm cải thiện sinh kế của nông dân. Tuy nhiên, dự án không giải quyết những vấn đề về lao động trẻ em.
Đạo luật cải cách thuế 1969 hạn chế ảnh hưởng của các tỉ phú giàu lòng nhân ái thông qua những quỹ tư nhân, trên lí thuyết đảm bảo họ tạo ra được lợi ích công cộng thay vì tư lợi cá nhân.
Thực tế, đạo luật này cho những nhà tài trợ giàu có như Bill hay Melinda quyền lợi to lớn để hoạt động từ thiện. Chẳng hạn, Sở thuế vụ chỉ cấm những mâu thuẫn lợi ích lớn như các quỹ tài trợ cho những công ty do thành viên trong hội đồng điều hành. Tương tự, Sở thuế cho phép quyên góp từ thiện cho các công ty vì lợi nhuận, miễn là quỹ giữ lại giấy tờ chứng minh tiền đã được sử dụng để làm từ thiện..
Nhưng vì The Gates Foundation xem các giải pháp dựa trên thị trường và đổi mới khu vực tư nhân là một, nên không thể phân biệt ranh giới giữa từ thiện và kinh doanh.
"Quỹ Gates đã định nghĩa một cách lỏng lẻo sứ mệnh từ thiện theo nghĩa đen, điều đó khiến tất cả công ty vì lợi nhuận nào cũng được cho là đáp ứng mục tiêu chung của The Gates Foundation về cải thiện phúc lợi xã hội trên toàn cầu", Nhà xã hội học Lindsey McGoey nói.
Việc giám sát các cơ sở tư nhân của Sở thuế vụ bị hạn chế bởi việc cắt giảm ngân sách gần đây. Nhiệm vụ thu thuế từ những cơ sở phi lợi nhuận như The Gates Foundation vì thế lại càng khó khăn hơn.
Theo thống kê của Sở thuế, có khoảng 100.000 quỹ tư nhân ở Mỹ sở hữu 1 nghìn tỉ USD tài sản về nhà đất, nhưng chỉ phải trả mức thuế 1 hoặc 2%. Trong đó, Sở thuế chỉ báo cáo kiểm toán nhiều nhất là 263 quỹ trong năm 2018.
Tổng chưởng lí bang có thể giám sát các quỹ tư nhân, như văn phòng tổng chưởng lí New York đã làm vào năm 2018, nhằm điều tra các quỹ tư nhân của Tổng thống Donald Trump. Bang Washington có toàn quyền điều tra quỹ Gates ở Seattle, nhưng họ từ chối do không có nhân viên toàn thời gian chuyên điều tra các hoạt động từ thiện, cho đến khi quỹ này trở thành quỹ từ thiện lớn nhất thế giới vào năm 2014.
Đến nay, văn phòng tổng chưởng lý Washington vẫn chưa đưa ra kết luận là họ đã từng điều tra The Gates Foundation hay chưa.
Công việc từ thiện của Bill Gates đã tạo ra hiệu ứng vô cùng tích cực xung quanh những hoạt động thiện nguyện của ông. Quỹ tư nhân này đã tác động sâu rộng đến chính sách công, cũng như gây ảnh hưởng WHO và trợ cấp cho Merck, Bayer tiến vào các nước đang phát triển.
Gates, người thường xuyên xuất hiện trong danh sách những người quyền lực của tạp chí Forbes, đã chứng minh dùng hoạt động từ thiện hoàn toàn có thể mua được ảnh hưởng chính trị.
Tài sản của Gates đang ngày một gia tăng, khoảng 100 tỉ USD khi chỉ mới 64 tuổi. Ông còn hàng thập kỉ để gia tăng tài sản, nhận giải Nobel hay thậm chí là tranh cử Tổng thống. Điều tương tự cũng có thể xảy đến với Melinda Gates, khi bà chỉ mới 55 tuổi.
Từ thiện hiếm khi được coi là công cụ trốn thuế, nhưng với bất bình đẳng thu nhập ngày một tăng cao, giới từ thiện siêu giàu khó lòng tránh được những hiềm nghi thích đáng từ phía công chúng. Liệu có phải là họ có quá nhiều quyền lực, với quá ít trách nhiệm giải trình công khai và minh bạch? Giới siêu giàu ở Mỹ nên có quyền tự do tiêu tiền theo cách họ muốn hay không?
100 năm trước, khi ông trùm dầu mỏ John D.Rockefeller yêu cầu Quốc hội tạo ra luật hỗ trợ thành lập quỹ tư nhân, tham vọng đó lập tức bị gạt bỏ.
“Không có khoản từ thiện nào có thể bù đắp cho những hành vi sai trái để có được chúng. Nếu sự bất bình đẳng không quá lớn, có lẽ sẽ chẳng cần phải làm từ thiện nữa", Tổng thống Theodore Roosevelt lúc bấy giờ nói.