Theo Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh vừa qua đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết ngày 23/11/2022 của Chính phủ và Chương trình ngày 22/3 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Kế hoạch dự kiến mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Dương cơ bản trở thành một thành phố thông minh và đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là một trong các đô thị hiện đại.
Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới; đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nhất là phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính...
Cùng với đó, phát triển công nghiệp thế hệ mới hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0 tạo lập một vành đai công nghiệp. Xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển thuộc nhóm các địa phương đứng đầu cả nước
Đến năm 2045, Bình Dương dự kiến trở thành địa phương có cơ cấu kinh tế hiện đại; là một bộ phận quan trọng trong trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và là một trong những trung tâm tài chính của khu vực.
Về định hướng không gian phát triển, tỉnh này hiện đang nghiên cứu không gian phát triển thành các vùng: khu vực phía nam gồm Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên là trung tâm cửa ngõ của Bình Dương đi TP HCM, Đồng Nai và cảng biển, đầu mối kết nối giao thông trong vùng.
Khu vực trung tâm Bình Dương (Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên) với hạt nhân là "trung tâm Thành phố mới Bình Dương" phải tiếp tục quy hoạch để trở thành vùng đổi mới sáng tạo, vùng lõi của một đô thị thông minh Bình Dương.
Các địa phương phía bắc (Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên) còn dư địa khá lớn về đất đai, phối hợp quy hoạch để chuẩn bị bất động sản công nghiệp hình thành, tạo lập vành đai công nghiệp.
Khu vực này là trung tâm kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng sông do các tuyến đường vành đai tạo ra. Nơi đây cần trở thành một cực phát triển mới hình thành Khu liên hợp Văn hóa - Thể dục - Thể thao - Y tế - Giáo dục tầm cỡ khu vực để hỗ trợ cho các cực phát triển của tỉnh và của cả vùng Đông Nam bộ.