Toàn cảnh TP Thuận An sẽ trở thành đô thị dịch vụ - công nghiệp phía nam Bình Dương

Theo Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Thuận An đến năm 2040, TP Thuận An có tính chất là đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn ở phía nam tỉnh Bình Dương. Kết nối hệ thống đô thị phía bắc của tỉnh Bình Dương với TP HCM.

TP Thuận An nằm ở vị trí tây nam của tỉnh Bình Dương, là đô thị loại III, gồm 9 phường là An Phú, An Thạnh, Bình Nhân, Bình Hòa, Bình Chuẩn, Thuận Giao, Hưng Định, Lái Thiêu, Vĩnh Phú và xã An Sơn (xã này đang làm thủ tục để nâng cấp thành phường). TP Thuận An có quy mô khoảng 8.731 ha.

Theo Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Thuận An đến năm 2040, thành phố này có tính chất là đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn ở phía nam tỉnh Bình Dương. Kết nối hệ thống đô thị phía bắc của tỉnh Bình Dương với TP HCM; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và vùng TP HCM. Có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng.

Đô thị Thuận An được quy hoạch định hướng phát triển với các hành lang hỗn hợp phát triển theo mô hình TOD trên các trục và đường chính đô thị nhằm kết nối và phát triển các khu đô thị, trong đó có hành lang dịch vụ ven sông Sài Gòn, đường Vành đai 3. Các hành lang đất hỗn hợp cũng là đầu mối đô thị để kết nối với đô thị TP HCM và đô thị xung quanh như TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An và TP Tân Uyên. Trong ảnh là một đoàn vành đai 3 sẽ mở đi qua TP Thuận An.

Một số khu vực phát triển của TP Thuận An như các khu vực cải tạo, chỉnh trang có diện tích khoảng 2.008 ha. Các khu vực này lấy cải tạo chỉnh trang là chính kết hợp phát triển các dự án mới trên đất nông nghiệp xen cài và đất công nghiệp di dời. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Ưu tiên phát triển các dự án theo hướng tăng thêm quỹ đất phát triển hạ tầng xã hội như mẫu giáo mầm non, công viên cây xanh... Khu vực này dự kiến khoảng 290.000 người.

Khu đô thị truyền thống gồm khu vực trung tâm phường Lái Thiêu diện tích khoảng 99,7 ha và khu vực xung quanh chợ Búng diện tích khoảng 8,4 ha. Đây là khu vực được cải tạo, chỉnh trang theo hướng giữ gìn bản sắc văn hoá vật thể và phi vật thể đồng thời tập trung phát triển thương mại, dịch vụ - nhà hàng, khách sạn, phố đi bộ, phố đêm... phục vụ du lịch gắn với khu vực du lịch vườn trái cây Lái Thiêu. Dân số dự kiến khoảng 19.000 - 21.000 dân.

Các hành lang đất hỗn hợp (chuyển đổi): được quy hoạch khoảng 1.154 ha trên các trục chính đô thị như các đường Đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT 743a ,đường ĐT 743b và ĐT 743c, những tuyến đường có quy hoạch đường sắt đô thị và các đường Liên phân khu như đường Thủ Khoa Huân, đường 22 tháng 12 và một số đường chính khu vực,... sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ đô thị gắn kết với các ga đường sắt đô thị, các trục đường chính đô thị. Các hành lang đô thị này dự kiến dân số khoảng 480.000 - 500.000 dân. Trong ảnh là một đoạn quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương) đi qua TP Thuận An hiện nay.

Các hành lang đất hỗn hợp phát triển mới ddược quy hoạch khoảng 260 ha đất ven sông Sài Gòn và hai bên đường vành đai 3 là khu vực chưa có đường xây dựng, quỹ đất nông nghiệp còn lớn, mật độ xây dựng thấp. Định hướng quy hoạch là thu hút các dự án đầu tư xây dựng mới các tổ hợp giải trí, du lịch, khách sạn nhà hàng. Hình thành các trung tâm dịch vụ chất lượng cao xung quanh các bến hành khách trên sông Sài Gòn; Hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có giao thông kết nối với khu vực xung quanh. Dân số dự kiến khoảng 40.000 - 52.000 dân. Trên ảnh là khu vực xây dựng nút giao Bình Chuẩn và tuyến vành đai 3 qua TP Thuận An.

 Một đoạn đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi qua TP Thuận An hiện nay, cùng với Đại lộ Bình Dương, đây là hai tuyến đường trục chính quan trọng của TP Thuận An hiện nay.

 Đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) hướng nhìn về phía TP HCM.

 Khu vực sẽ là nút giao giữa quốc lộ 13 với tuyến vành đai 3 TP HCM hiện nay.