Bình Dương muốn khởi công vành đai 4 vào tháng 7

Tỉnh Bình Dương dự kiến tháng 7/2024 sẽ khởi công đường Vành đai 4 đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn, tháng 9/2024 khởi công đường cao tốc TP HCM - Chơn Thành và đầu quý II/2026 sẽ hoàn thiện đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn.

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, Đoàn công tác của Chính phủ vừa có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương.​ 

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết trong quý I, địa phương thu hút được 193 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và 14.063 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.255 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 40,5 tỷ USD và 67.299 doanh nghiệp có vốn trong nước với tổng vốn đầu tư 741.000 tỷ đồng.

Địa phương đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo góp ý của Hội đồng thẩm định Quốc gia. Đồng thời, đang triển khai thủ tục đầu tư 8 dự án nhà ở xã hội có quy mô 39 ha với hơn 13.000 căn hộ.

Về tiến độ triển khai một số dự án trên địa bàn, Bình Dương muốn hoàn thiện Đường Vành đai 3 TP HCM qua địa bàn trong đầu quý II/2026, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ chung của toàn dự án.

Dự kiến tháng 7/2024 khởi công công trình Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn. Tổ chức triển khai thi công từ quý III/2024 đến quý IV/2026, cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 11/2026.

Dự kiến tháng 9/2024 khởi công dự án đường cao tốc TP HCM - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương. Tổ chức triển khai thi công từ quý III/2024 đến quý IV/2027. Cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 11/2027.

Tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình thuộc tuyến đường sắt TP HCM - Lộc Ninh, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trên. 

Một đoạn trên tuyến Vành đai 3 TP HCM qua tỉnh Bình Dương. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM như đối với tuyến đường Vành đai 3 TP HCM; xem xét hỗ trợ địa phương từ 50% kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tương ứng với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Để tăng cường kết nối giữa Bình Dương và Đồng Nai từ sân bay Biên Hòa đến đường Vành đai 3, kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho tỉnh Bình Dương phối hợp với tỉnh Đồng Nai và các Bộ, ngành nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến đường kết nối Vành đai 3 (tỉnh Bình Dương) với sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) trên cơ sở mở rộng đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Dĩ An) và đường Phạm Văn Diêu (TP Biên Hòa) có chiều dài khoảng 7 km, chấp thuận cho Bình Dương làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để có phương án xây dựng cơ chế và bố trí vốn triển khai dự án.

Bình Dương định hướng tăng quy mô quy hoạch ga An Bình từ 64,6 ha lên khoảng 200 ha (từ quỹ đất công do thu hồi đất hết thời hạn cho thuê của Khu công nghiệp Sóng Thần) và đã được cập nhật vào quy hoạch các tuyến, ga đường sắt kết nối trong khu vực; dự kiến quy hoạch đầy đủ các tính năng để kết nối vùng. Vì vậy, tỉnh đề xuất các cơ quan ủng hộ để kịp thời cập nhật bổ sung vào Quy hoạch tỉnh và triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bình Dương kiến nghị Chính phủ chấp thuận trình các cơ quan có thẩm quyền cho giữ lại 70% khoảng tăng từ tiền thuê mặt đất, mặt nước để sử dụng đầu tư một số dự án đầu tư công trọng điểm như Đường Vành đai 4, cao tốc TP HCM - Chơn Thành,… 

Nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ trong thời gian qua là do việc di dời lưới điện. Vì vậy, tỉnh kiến nghị được sử dụng vốn ngân sách trong tổng mức đầu tư dự án giải phóng mặt bằng để thực hiện di dời hệ thống lưới điện dọc trên tuyến đường giao thông nhằm đảm bảo tiến độ thi công. 

Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cũng đề xuất Trung ương cho cơ chế phát triển của vùng để mở ra cơ hội phát triển mới có các địa phương trong vùng, sửa đổi Luật Ngân sách để tăng thu cho ngân sách các địa phương, bởi chính sách hiện nay không khuyến khích các địa phương tăng thu để sử dụng nguồn vốn đầu tư cho các công trình dự án quan trọng. 

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.