Bình Thuận dừng cấp phép mới cho các dự án ven biển

Từ tháng 6/2011 đến nay, Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 56 dự án du lịch ven biển. Trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng và 23 dự án chưa triển khai hoạt động. Tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư không thực hiện việc cấp phép mới các công trình, dự án ven biển.

 Một dự án du lịch hoang hoá tại Phan Thiết. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi làm việc nghe báo cáo kết quả rà soát các dự án, công trình ven biển.  

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ tháng 6/2011 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận 77 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước có phần diện tích tại khu vực ven biển, bao gồm 56 dự án du lịch, 2 dự án khu dân cư và 19 dự án thủy sản.

Qua rà soát, 56 dự án du lịch ven biển với diện tích đất sử dụng hơn 1.039 ha (phần diện tích đất giáp biển 618 ha, chiếm 59%). Trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng và 23 dự án chưa triển khai hoạt động.

Riêng trên địa bàn TP Phan Thiết có 23 dự án, diện tích sử dụng đất hơn 324 ha (phần diện tích đất phía biển 119,77 ha, chiếm 37%); tập trung chủ yếu ở các phường Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Hài và xã Tiến Thành, trong đó, có 14 dự án đã kinh doanh hoạt động, diện tích đất sử dụng 18 ha.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, theo đó, việc chấp thuận đầu tư các dự án tại khu vực ven biển phải phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt và đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển theo quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường, biển và hải đảo 2015.

Tuy nhiên, trên thực tế một số công trình, dự án đã đầu tư xây dựng phía biển, ảnh hưởng đáng kể đến cảnh quan và hạn chế khả năng tiếp cận biển của người dân và du khách. 

Sau khi nghe báo cáo, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời, không thực hiện việc cấp phép mới các công trình, dự án ven biển. 

Bên cạnh đó, yêu cầu rà soát lại dự án, công trình ven biển, đề xuất thu hồi các công trình, dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.

Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra hoạt động xây dựng đối với các dự án, công trình ven biển, kịp thời xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, không phép, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận của người dân với biển.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh khẩn trương triển khai công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh. Các địa phương ven biển thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai và xây dựng đối với các khu vực ven biển.

Bình Thuận từng là điểm đến đầu tư hấp dẫn từ những năm 2000. (Ảnh: Hoàng Huy).

Từ những năm 2000, những khu vực như Mũi Né hay Mũi Kê Gà của Bình Thuận đã trở thành điểm đến thu hút đầu tư của nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên đến nay Bình Thuận lại có nhiều dự án du lịch bị hoang hoá, chậm tiến độ.

Đơn cử như khu vực Mũi Kê Gà, vào năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi đất, ngừng triển khai nhiều dự án du lịch để giao đất cho chủ đầu tư để triển khai xây dựng dự án Cảng Kê Gà. Đến năm 2013, dự án Cảng Kê Gà dừng triển khai do không hiệu quả, từ đây hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Hàm Thuận Nam bắt đầu rơi vào tình trạng hoang hóa. 

Hay tại huyện Bắc Bình, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, tính đến ngày 30/8/2021, trên địa bàn huyện có 32 dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, tổng diện tích 821,8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng. Qua rà soát, có 8 dự án đã tác động triển khai xây dựng nhưng tiến độ rất chậm và 24 dự án chưa triển khai.  

Về nguyên nhân khách quan, khu vực này trước đây vướng khai thác cát đen do đó nhà đầu tư du lịch phải tạm dừng. Ngoài khu vực khai thác thì phần lớn các dự án đều nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản titan quốc gia theo Quyết định số 645 của Thủ tướng Chính phủ. 

Bình Thuận cho biết, vùng quy hoạch khai thác, chế biến titan và khu vực dự trữ titan là nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng, là khu vực tiềm năng để thực hiện các dự án đô thị, du lịch, khu công nghiệp - thương mại - dịch vụ... của tỉnh này.

Bên cạnh quy hoạch khoáng sản, quy hoạch các dự án cũng là yếu tố khiến Bình Thuận chưa thể bứt phá trong mảng nghỉ dưỡng.

Theo ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Hải Phát Invest, biển ở Bình Thuận rất đẹp, là yếu tố tiên quyết hút khách du lịch, nhưng đã được giao hết cho các resort nắm giữ, người dân không thể tắm tự do được. Đây là hệ quả của một thời kỳ quy hoạch cũ mà đến nay đã không còn phù hợp và đồng bộ với tương lai.

"Nếu so về mảng nghỉ dưỡng thì Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc là những thị trường top đầu, còn Bình Thuận mới chỉ có thể so sánh với Vũng Tàu và Quy Nhơn. Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc có sức bật tốt là nhờ chính sách quy hoạch rút ra từ bài học của Bình Thuận", ông Duy cho biết trong một sự kiện trực tuyến vào năm 2021.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.