Bộ Công Thương: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước năm 2020

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian tới ngành gỗ cần kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, đây là vấn đề rất quan trọng với ngành hàng bên cạnh việc phát triển thị trường và tận dụng cơ hội của các FTA. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh và là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước năm 2020.
Bộ Công Thương: Cần kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại gỗ - Ảnh 1.

Gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước trong năm 2020. (Ảnh: Như Huỳnh).

Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất ngày 21/12 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 11/2020 đạt 1,24 tỷ USD, tăng 28,6% so với tháng 11/2019.  Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,01 tỷ USD, tăng 32,1% so với tháng 11/2019. 

Trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,47 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019. 

Đáng chú ý, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Mỹ tăng rất mạnh trong 11 tháng năm 2020, đạt 6,4 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ chiếm 57,8% tổng trị giá xuất khẩu, tăng 7,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.

Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản đạt 1,16 tỷ USD, giảm 1,6%; tới Trung Quốc đạt 1,08 tỷ USD, tăng 3,8%; tới Hàn Quốc đạt 727,57 triệu USD, tăng 1%...so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ Công Thương: Cần kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại gỗ - Ảnh 2.

Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11 và 11 tháng năm 2020. Nguồn: Bộ Công Thương/Tổng cục Hải quan.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước trong năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ trong thời gian qua là nhờ các chính sách của Chính phủ và các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA.

Bởi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường.

Đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ.

Cụ thể, các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4 - 6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.

Bên cạnh cơ hội có được, thách thức đối với ngành gỗ cũng rất lớn. Hội nhập sâu rộng, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt đối với các sản phẩm xuất khẩu của các nước sản xuất về giá cả, mẫu mã và chất lượng. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia ngày càng tăng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Những điều này dẫn tới tác động tiêu cực đối với hàng hóa xuất khẩu nói chung và ngành gỗ nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trồng rừng và cung cấp gỗ nguyên liệu lớn trong khu vực đã và đang có các chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu.

Xu hướng bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao, dẫn tới nhiều quốc gia ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Để phát triển ngành gỗ bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng ngành gỗ cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu ngành gỗ; tận dụng hiệu quả lợi ích từ các Hiệp định mang lại; mở rộng và khai thác thị trường mới; đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, đây là vấn đề rất quan trọng với ngành gỗ.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.