Bộ GTVT thừa nhận hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều điểm nghẽn

Bộ GTVT thừa nhận hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn rất hạn chế, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Caotoc_zing4

Đoạn nối đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với cao tốc TP HCM - Trung Lương thuộc xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang) xây dựng một phần đường dẫn rồi bỏ hoang. (Ảnh: Zing.vn).

Hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long hạn chế

Bộ GTVT vừa có trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, cử tri tỉnh này kiến nghị cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số đại biểu Quốc hội, đồng bằng sông Cửu Long với gần 20 triệu dân nhưng đường cao tốc chỉ có 40km, thua xa các vùng trong cả nước.

Bên cạnh đó, nêu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành thì cũng "không thấm vào đâu" so với nhu cầu của khu vực này.

Về vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT cho biết trong những năm qua, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

"Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện vẫn còn rất hạn chế, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long". Bộ GTVT thừa nhận.

Để tháo gỡ điểm nghẽn trên, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ rà soát, đánh giá để hoàn thiện Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đề án trên sẽ đề xuất danh mục các công trình giao thông thực sự quan trọng, cấp bách cần ưu tiên đầu tư giai đoạn tiếp theo để trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở thực hiện.

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội các cơ chế, chính sách cũng như tập trung bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của vùng, kết nối đồng bộ giao thông liên vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đáng chú ý với vấn đề cao tốc của đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết mặc dù khu vực này được bố trí ngân sách tương đương với các vùng khác nhưng suất đầu tư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long rất cao.

Vị này lí giải đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất yếu, khi làm đường, làm cầu cần gia cố nền móng tốn kém. Ngoài ra, khu vực này suất đầu tư cao, km đường ít, thu phí được ít, hoàn vốn khó nên doanh nghiệp sẽ không chọn khu vực này.

caotoc_zing

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhiều đoạn dang dở. (Ảnh: Zing.vn).

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Vướng mắc vượt thẩm quyền

Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT cho biết đã triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT từ năm 2015.

"Tuy nhiên Dự án bị chậm tiến độ do có nhiều vướng mắc vượt quá thẩm quyền của Bộ", Bộ GTVT cho biết.

Cụ thể, các vướng mắc được Bộ GTVT đưa ra như về hỗ trợ của Nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương; vướng mắc về lãi suất vay vốn tính toán theo qui định pháp luật thấp hơn nhiều so với lãi suất vay thực tế,...

Tuy nhiên, Bộ này cũng cho biết theo kế hoạch được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019, sẽ đảm bảo cơ bản thông tuyến năm 2020 và hoàn thành đưa vào khai thác Quý II năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại quyết định trên, tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt phương án tài chính dự án với tổng vốn đầu tư là 12.668 tỉ đồng giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu nhưng tăng 3.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư theo quyết định ngày 15/6/2017 của Bộ GTVT.

Nguyên nhân tăng vốn được Tiền Giang cho biết là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng, điều chỉnh giải pháp xử lí đất yếu, biến động giá nguyên vật liệu, bổ sung cầu vượt, đường dân sinh...

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.