Bổ nhiệm cán bộ thiếu chuẩn, gây bức xúc

Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng cho biết nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ

Ngày 25-12, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị giao ban công tác dân vận khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội năm 2017; triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Còn hiện tượng "lót tay"

Trình bày báo cáo kết quả công tác năm 2017, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng cho biết nhân dân ghi nhận việc các cơ quan Đảng, nhà nước quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, khẳng định không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Cũng theo Ban Dân vận Trung ương, nhân dân lo lắng trước tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa thực sự được đẩy lùi, biểu hiện ngày càng tinh vi. Trong khi đó, số hành vi tham nhũng bị xử lý hành chính, kỷ luật nhiều nhưng số bị xử lý hình sự và kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức.

"Nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm khi cán bộ còn thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương" - ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhân dân bày tỏ sự bức xúc, lo lắng trước một số vấn đề như tình trạng lạm quyền, quan liêu và thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức ở một số địa phương. Vẫn còn hiện tượng người dân phải "lót tay" để được giải quyết thủ tục hành chính.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương, bà Trương Thị Mai, đề nghị trong năm 2018, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng; nỗ lực giảm tỉ lệ hộ nghèo tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch, bảo đảm công bằng xã hội. Đặc biệt, cần đổi mới phương thức, chất lượng hoạt động, nghiên cứu để phong trào đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa các hình thức tập hợp để tăng cường sức mạnh quần chúng…

bo nhiem can bo thieu chuan gay buc xuc

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị phải quyết liệt hơn trong chống tham nhũngẢnh: Thành Văn

Dùng quyền lực như tài sản riêng

Tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính, thẳng thắn: "Tại sao có chuyện đưa con, cháu vào các cơ quan quyền lực thuộc thẩm quyền của mình. Thực tế có phải quyền lực của mình đâu mà mình chỉ được giao chức vụ, giao quyền đó để thay mặt nhà nước, tổ chức thực hiện. Song nhiều người xem như là quyền riêng của mình rồi ban phát, xin - cho, đưa người nhà, người thân vào cơ quan mình quản lý".

Theo ông Phạm Minh Chính, để ngăn chặn tình trạng này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng 7-8 quy định mới thay thế cho các quy định cũ về công tác cán bộ. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 105 phân cấp rõ thẩm quyền về công tác cán bộ, đồng thời xác định luôn trách nhiệm của cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định, cơ quan quyết định. Quy định mới đã phân cấp mạnh về công tác cán bộ cho các đơn vị, địa phương.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu thực trạng bộ máy quá cồng kềnh dẫn đến tiêu tốn ngân sách tới 65% chi thường xuyên. Không có nước nào chi thường xuyên cao như Việt Nam. Đáng lo ngại là trong 10 năm qua, chi thường xuyên tăng và chi cho phát triển giảm.

"Nếu chúng ta không giảm chi thường xuyên thì không có nguồn để cải cách tiền lương" - ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh và đề nghị khi chuyển sang nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì bộ máy phải khác, phải đổi mới cho gọn nhẹ.

Nêu ví dụ cụ thể, ông Chính kể thời ông đi học, cả huyện chỉ có 1 kế toán, 1 thủ quỹ để làm toàn bộ công việc tài chính của ngành giáo dục. Trong khi hiện nay, 1 trường tiểu học chi tiêu 9-10 triệu đồng/tháng thì có hẳn kế toán trưởng và thủ quỹ với thu nhập 12 triệu đồng/tháng/người.

"Chúng ta cứ đánh giá biến đổi khí hậu cực đoan, nhanh chóng, khó lường mà cán bộ cứ "ề à"; bộ máy cứ rườm rà, hệ thống vận hành cứ chậm chạp thế này chỉ có hại cả thôi" - ông Chính nhìn nhận và nói tiếp: "Đổi mới tổ chức, bộ máy đúng là công việc khó và bắt tay làm cái gì mới cũng khó, cái gì mới cũng có người chống. Nhưng đổi mới mà không có người chống thì không phải đổi mới. Đổi mới bao giờ cũng khó khăn, nhiều ý kiến trái chiều nhưng chúng ta phải kiên nhẫn, kiên trì, thuyết phục lẫn nhau".

7 giảm còn 3, vẫn chạy tốt!

Ông Phạm Minh Chính tự tin cho rằng dư địa để tinh giản biên chế còn rất lớn, nhất là việc sắp xếp lại bộ máy giúp việc. Như Ban Tổ chức Trung ương có hơn 30% là khối văn phòng, nếu mạnh dạn cơ cấu lại thì ngay lập tức có dư địa để tuyển người giỏi.

Vừa qua, cũng có nhiều trường hợp nghỉ hưu nhưng ban chưa tuyển ai cả, lúc này là cơ hội để cơ cấu lại. "Ở Ban Tổ chức Trung ương, tôi thấy cũng đơn giản vì trước đây có 7 phó ban, giờ chỉ có 3 nhưng công việc vẫn chạy tốt, thấy ổn cả" - ông Chính chia sẻ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.