Bộ Nông nghiệp kiến nghị dừng tạm nhập, tái xuất thịt lợn và phụ phẩm

Đề nghị Chính phủ xem xét dừng hoạt động nhập khẩu thịt lợn, lục phủ ngũ tạng về Việt Nam theo hình thức tạm nhập, tái xuất nhằm bảo vệ thị trường trong nước, chống lây lan các loại dịch bệnh và giảm tác động đến vận tải hàng hoá.

Đây là kiến nghị vừa được ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) gửi lên Thủ tướng Chính phủ giữa bối cảnh ngành chăn nuôi lợn trong nước lâm vào cuộc "khủng hoảng" dư cung, Trung Quốc ngừng nhập và giá bán buôn giảm giá lớn nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.

Đặc biệt, theo kiến nghị của Bộ NN&PTNT, thịt lợn về Việt Nam diện tạm nhập tái xuất không phục vụ nhu cầu trong nước, nhưng thời gian qua đã có lượng lớn hàng hoá, sản phẩm thuộc hình thức này được đưa ra thị trường.

bo nong nghiep kien nghi dung tam nhap tai xuat thit lon va phu pham
Thịt lợn nhập khẩu (ảnh minh hoạ)

Theo quy định, hàng hoá thuộc diện tạm nhập, tái xuất được lưu tại Việt Nam không quá 60 ngày (có gia hạn thêm không quá 30 ngày); được giám sát bởi Hải quan và đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm tra bệnh dịch ở khu vực Hải quan cửa khẩu nhập hàng. Hàng tạm nhập phải được lưu kho bãi của doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, nếu bán tại Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ thuế bắt buộc.

Tuy nhiên, không chỉ thịt lợn và phụ phẩm, nhiều hàng hoá tạm nhập tái xuất thuộc danh mục cấm nhập khẩu, tiêu thụ trong nước đã được tuồn ra ngoài thị trường, tiêu thụ trót lọt. Do không phải đóng thuế nên giá các mặt hàng này rẻ hơn so với mặt bằng giá chung của thị trường khá nhiều. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến thị trường thịt trong nước và tạo cuộc chiến cạnh tranh giá cho hàng Việt Nam.

Ngoài đề nghị trên, Bộ NN&PTNT còn đề nghị các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi lợn lái, để tiến tới giảm lượng lợn thương phẩm bởi đã xuất hiện tình trạng vượt quy hoạch ngành. Hiện đàn lợn lái đã lên 4,2 triệu con, cần giảm xuống mức 3 triệu con vào năm 2019.

Trong một diễn biến đáng chú ý, Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu nhập thịt lợn và giá nhập khẩu loại thịt này về Việt Nam ở mức rất rẻ.

Cụ thể, từ ngày 01/1 đến ngày 15/3 cả nước nhập gần 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi kg thịt lợn, có giá chỉ 27.000 đồng/kg.

Trong các loại thịt lợn nhập về, thịt tươi, ướp lạnh chiếm gần 2.400 tấn, trị giá 4,5 triệu USD (trung bình khoảng 42.700 đồng/kg). Các loại phụ phẩm thịt sau giết mổ của lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh nhập nhiều nhất với 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD (20.300 đồng/kg).

Từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại Việt Nam luôn đi xuống ở mức rất thấp dưới 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi, chi phí thuốc thú y luôn tăng cao... Chính vì vậy, người chăn nuôi lợn đang lâm vào cảnh thua lỗ nặng.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.