Bộ Quốc phòng điều tra sai phạm đất ở sân bay Nha Trang

Thực hiện yêu cầu của Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh đã phân công các đơn vị cung cấp hồ sơ các khu đất tại sân bay Nha Trang cũ.

Động thái này được đưa ra sau khi Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vào cuộc làm rõ dấu hiệu hành vi Vi phạm các quy định về quản lý đất đai khi bàn giao đất quốc phòng tại sân bay Nha Trang (cũ).

Sân bay rộng hơn 186 ha, nằm gần trung tâm thành phố. Sau năm 1975, nơi này ngoài mục đích quân sự còn phục vụ các chuyến bay chở khách tới thành phố biển. Sau khi sân bay Cam Ranh hoàn thành, từ năm 2004 sân bay Nha Trang ngừng đón khách và trở thành căn cứ của Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân.

Cuối năm 2009, một phần sân bay Nha Trang được giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ quan điều tra đề nghị rà soát, kiểm tra và cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan 11 nội dung, gồm: các nghị quyết, văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến việc sử dụng quỹ đất tại sân bay Nha Trang để thanh toán cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) và trong việc thực hiện dự án Khu Trung tâm thương mại – tài chính – dịch vụ - du lịch Nha Trang.

Tiếp đó là hồ sơ liên quan đến các cơ quan tham mưu, đề xuất để UBND tỉnh ban hành hai quyết định thu hồi đất do Trường Sĩ quan Không quân quản lý tại khu vực sân bay Nha Trang cũ bàn giao cho CTCP Tập đoàn Phúc Sơn và Kho bạc tỉnh Khánh Hòa.

Hồ sơ liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các khu đất gồm: trụ sở Kho bạc tỉnh Khánh Hòa; khu đất để thực hiện dự án K98 Nha Trang; khu đất 13,3 ha đất tại sân bay Nha Trang giao cho CTCP Đầu tư Hacom Holdings để thanh toán làm đường Nguyễn Thiện Thuật kéo dài.

Sân bay Nha Trang cũ ở trung tâm thành phố. (Ảnh: Bùi Toàn).

Tiếp đó là hồ sơ pháp lý liên quan dự án đầu tư xây dựng Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật; việc đất quốc phòng tại sân bay Nha Trang bị Công ty Tân Thành Nam Khánh lấn chiếm.

Các hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận và lựa chọn CTCP Phúc Sơn là nhà đầu tư thực hiện dự án khu Trung tâm thương mại – tài chính – dịch vụ - du lịch Nha Trang; việc lập, thẩm định phê duyệt 3 dự án BT do CTCP Phúc Sơn làm chủ đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất tại sân bay Nha Trang cũ.

Hồ sơ trong việc tham mưu, báo cáo đề xuất lựa chọn CTCP Phúc Sơn là nhà đầu tư thực hiện 3 dự án BT; tham mưu đề xuất để UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo Thủ tướng xin phép được lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với 3 dự án BT giao cho CTCP Phúc Sơn; việc ban hành thông báo xác định giá đất và điều chỉnh giá đất của khu đất tại sân bay Nha Trang.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng được yêu cầu cung cấp danh sách các cá nhân có liên quan đến việc tham mưu, đề xuất những nội dung trên.

Trước đề nghị của Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, tỉnh Khánh Hòa xác định đây là công tác quan trọng nên yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan phải khẩn trương, nghiêm túc trong cung cấp hồ sơ tài liệu; đảm bảo đầy đủ, đúng thời gian quy định trong quá trình cung cấp tài liệu phục vụ điều tra.

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển tài liệu, hồ sơ liên quan sai phạm đất đai sân bay Nha Trang cho Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng xử lý theo thẩm quyền. 

Liên quan vụ việc trên, hồi cuối tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng đối với 6 dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang

Thanh tra Chính phủ chỉ ra các vi phạm như các dự án BT đã không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào khoảng cuối năm 2017. Mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021, nhưng thực tế đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt khoảng 27% khối lượng xây lắp. Không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để được áp dụng hình thức lựa chọn Nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu. 

chọn
Doanh nghiệp 'hụt hơi' do sự rút lui của đối tác ngoại
Theo Chủ tịch CLB BĐS TP HCM, hơn 3 năm qua, các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là công ty chứng khoán có nguồn vốn lớn đã rút khỏi Việt Nam khoảng trên dưới 5 tỷ USD.