Sân bay Nha Trang rộng gần 240 ha, từng là sân bay dân sự. Khu vực này nằm sát tuyến đường biển Trần Phú đẹp nhất tỉnh, có thể kết nối với nhiều đường lớn tại trung tâm thành phố Nha Trang.
Năm 2004, khi sân bay Cam Ranh chuyển đổi thành sân bay dân sự, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thì sân bay Nha Trang ngừng đón khách, trở thành căn cứ quân đội. Một phần đất nơi đây được giao cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Đến tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa có nhiều vi phạm trong việc giao doanh nghiệp thực hiện dự án BT, đổi lấy quỹ đất sân bay Nha Trang, có thể gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Kể từ đó, các dự án "đứng bánh", chủ đầu tư cho quây tôn, rào chắn kín mít.
Mới đây, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai khi bàn giao đất quốc phòng tại sân bay Nha Trang (cũ).
Trước đó, năm 2015, Bộ Quốc phòng đã bàn giao gần 63 ha đất quốc phòng cho UBND tỉnh Khánh Hòa. Sau khi nhận, chính quyền giao đất cho Công ty Phúc Sơn thực hiện Dự án Khu Trung tâm đô thị Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang (hay còn gọi là Khu đô thị Nha Trang).
Đổi lại, Tập đoàn Phúc Sơn phải ký 3 hợp đồng BT (dự án nút giao thông Ngọc Hội, đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội và các tuyến đường, nút giao thông kết nối với khu sân bay Nha Trang). Phương thức hoàn vốn cho nhà đầu tư là sử dụng quỹ đất ở sân bay Nha Trang.
Công ty Phúc Sơn sau đó chia đất thành nhiều lô (như trong ảnh) để kinh doanh, dù chưa hoàn thành hợp đồng BT. Hành vi này được cho là trái pháp luật nên bị chính quyền xử phạt 275 triệu đồng.
Hệ thống đường, đèn chiếu sáng, cây xanh được đầu tư tại Khu đô thị Nha Trang.
Trả lời VnExpress năm 2021, ông Phạm Ngọc Cương (Phó tổng Giám đốc Công ty Phúc Sơn) cho biết, khi ký hợp đồng với tỉnh để thực hiện các công trình giao thông, doanh nghiệp đã bỏ tiền để thực hiện dự án, và nhận lại đất tại sân bay Nha Trang, giá đất lúc đó là tạm tính.
Về việc 3 dự án BT chậm tiến độ hoàn thành so với kế hoạch, theo ông Cương, doanh nghiệp không thiếu vốn mà do không có mặt bằng để thực hiện. Bởi nhà đầu tư phải phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong khu vực dự án.
Một vài công trình, nhà tạm nhỏ tại dự án ở sân bay Nha Trang.
Tháng 8/2022, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Công ty Phúc Sơn khẩn trương thực hiện, nộp gần 12.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trước ngày 10/8/2022.
Lý do, Khánh Hòa đã bàn giao cho Công ty Phúc Sơn gần 63 ha đất sân bay Nha Trang, phần khấu trừ 3 hợp đồng BT đã ký chỉ hơn 20 ha, còn gần 43 ha đất sân bay mà công ty này được giao từ nhiều năm để thực hiện dự án khu đô thị chưa khấu trừ, hoàn vốn cho dự án BT nào.
Tuy nhiên, Tập đoàn Phúc Sơn chưa thực hiện yêu cầu của địa phương vì số tiền mà tỉnh thông báo thu hồi "chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để tính toán, xác định, đảm bảo theo nguyên tắc ngang bằng giá trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BT".
Nhiều khu vực trong khuôn viên dự án Khu đô thị Nha Trang cỏ mọc um tùm, các ống cống bêtông nằm ngổn ngang.
Nút giao nối khu vực sân bay Nha Trang cũ với đường Nguyễn Thị Định chưa hoàn thiện, cỏ cây mọc um tùm.
Trong ba hợp đồng BT Công ty Phúc Sơn thực hiện có dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu vực sân bay Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến trên 725 tỷ đồng, gồm những tuyến đường nối dài các đường như: Nguyễn Thị Định, Cù Chính Lan, Tô Hiến Thành và 11 nút giao thông. Dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2017, đã được nhiều lần gia hạn nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Phúc Sơn, và hàng loạt người bị Bộ Công an khởi tố, tạm giam về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ đó đến nay, văn phòng của doanh nghiệp thường xuyên khóa cửa, chỉ có bảo vệ trông coi. Giữa tháng 5, Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận Tập đoàn Phúc Sơn không cử đại diện đến họp liên quan đến việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Cả khu vực này chỉ một công trình duy nhất đi vào hoạt động là trụ sở Kho bạc Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa.
Khu vực hàng rào quây quanh dự án ở sân bay Nha Trang (cũ), có bảo vệ túc trực. Phía bên ngoài, nhiều người tận dụng dán biển quảng cáo nhà hàng, biển chỉ dẫn gây mất mỹ quan.
Trong ba hợp đồng BT Công ty Phúc Sơn ký với Khánh Hòa, có công trình nút giao thông Ngọc Hội với mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đã được thông xe 3/4 nhánh, riêng nhánh Bắc chưa thể thi công do vướng mặt bằng. Còn các hợp đồng còn lại vẫn chậm tiến độ.
Một phần đất còn lại tại sân bay Nha Trang (cũ) vẫn đang thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.
Để làm rõ dấu hiệu tội phạm Vi phạm các quy định về quản lý đất đai khi bàn giao đất quốc phòng tại đây, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp các hồ sơ liên quan đến Công ty CP Phúc Sơn khi làm dự án Khu đô thị Nha Trang.
Ngoài ra, chính quyền Khánh Hòa cũng được yêu cầu một số hồ sơ của dự án khác như: trụ sở Kho bạc tỉnh Khánh Hòa; khu đất để thực hiện dự án K98 Nha Trang; khu đất 13,3 ha đất tại sân bay Nha Trang giao cho CTCP Đầu tư Hacom Holdings để thanh toán làm đường Nguyễn Thiện Thuật kéo dài...