Đại gia Hậu 'Pháo' từng bất ngờ về sự phát triển nhanh chóng của Tập đoàn Phúc Sơn

"Đôi khi nhìn lại chặng đường đã đi qua, chính tôi cũng cảm thấy bất ngờ”, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn từng chia sẻ khi nói về chặng đường phát triển nhanh chóng của doanh nghiệp.

Gia nhập thị trường BĐS ngay giai đoạn khủng hoảng

CTCP Tập Đoàn Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, được thành lập vào ngày 6/1/2004. 

Năm 2008, Phúc Sơn bắt đầu tham gia đầu tư bất động sản với dự án đầu tay là Khu nhà ở Phúc Sơn tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đến ngày 4/8/2009, Phúc Sơn tiến hành cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Đầu tư Hạ tầng Đô thị Phúc Sơn. Đến ngày 27/7/2010, đổi tên thành CTCP Tập đoàn Phúc Sơn như hiện nay. 

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Phúc Sơn, ông Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi “Hậu Pháo”) sinh năm 1981, quê quán tại tỉnh Vĩnh Phúc và hiện thường trú tại quận Long Biên, Hà Nội. Thời điểm hình thành Tập đoàn Phúc Sơn, ông Hậu mới 29 tuổi.  

Ngoài Phúc Sơn, ông Hậu cũng đang đứng tên đại diện pháp luật cho 3 doanh nghiệp bất động sản khác là CTCP Phúc Khánh Vĩnh Trung (trụ sở tại Khánh Hòa), CTCP Phúc Khánh Diên An (trụ sở tại Khánh Hòa) và CTCP Thăng Long Bàu Giang (trụ sở tại Quảng Ngãi). 

Ông Nguyễn Văn Hậu trước khi bị bắt. (Ảnh: Công an Nhân dân). 

Thời điểm mới hình thành Tập đoàn Phúc Sơn vào năm 2010, vốn điều lệ công ty ở mức gần 130 tỷ đồng. Trong đó, ông Hậu nắm 84,6% vốn điều lệ, phần vốn còn lại do bà Ngô Thị Thanh Nhàn nắm 11,5% và ông Nguyễn Thanh Tùng nắm 3,9%. 

Khi đó, cả 3 cá nhân này đều có địa chỉ thường trú tại thôn Phúc Lập, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Quy mô vốn tăng gấp gần 15 lần sau 7 năm

Giai đoạn Phúc Sơn “chân ướt chân ráo” tiến vào lĩnh vực bất động sản, thị trường bất động sản Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và “đóng băng” từ 2011 - 2013. 

Đến năm 2015, khi những tín hiệu tích cực về sự phục hồi bắt đầu hiện rõ, đặc biệt khi Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực từ giữa năm 2015, Phúc Sơn đã liên tục tăng vốn điều lệ và chạm mốc 1.500 tỷ đồng vào tháng 11/2015. 

 Nguồn: HM tổng hợp. 

Đầu năm 2017, giữa làn sóng sốt đất diễn ra trên toàn quốc, Phúc Sơn tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, trong đó, ông Hậu nắm 99% vốn điều lệ. Đây cũng là quy mô vốn lớn nhất của doanh nghiệp từ trước cho đến nay. 

Xuất khẩu cát, sở hữu BĐS ở nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam

Năm 2017, tên tuổi Phúc Sơn được nhiều người biết đến khi được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận thực hiện 3 dự án giao thông tại Nha Trang theo hợp đồng BT, tổng vốn đầu tư 3.336 tỷ đồng. 

Đổi lại, Phúc Sơn được giao hơn 20 ha đất sân bay Nha Trang cũ để xây dựng dự án Khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch. Với số vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, đây là dự án có vốn đầu tư lớn nhất nhì thành phố, được ví như "Phú Mỹ Hưng của Nha Trang".

Nhìn lại một năm đầy rực rỡ này, trong thông điệp của Chủ tịch HĐQT gửi đến các khách hàng và đối tác công ty, ông Hậu chia sẻ: “13 năm trước, Phúc Sơn đã bước trên không biết bao chông gai, thử thách giữa giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Và giờ đây, những bước chân ấy đã in dấu lên khắp mọi miền tổ quốc. Để rồi, đôi khi nhìn lại chặng đường đã đi qua, chính tôi cũng cảm thấy bất ngờ!”. 

  Một góc khu vực sân bay Nha Trang cũ. (Ảnh tư liệu: Khải An). 

Ngoài các dự án kể trên, Phúc Sơn cũng đang sở hữu loạt dự án như Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường (hơn 30 ha); Khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn; Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng tại TP Việt Trì (140 ha); Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường tại tỉnh Vĩnh Phúc, Khu đô thị Bàu Giang tại tỉnh Quãng Ngãi,...

Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, Phúc Sơn đã được giao và trúng thầu nhiều gói thầu tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Nội, Khánh Hòa…. 

Từ năm 2012, Phúc Sơn cũng tham gia xuất nhập khẩu cát. 

Song, trong hai năm 2021 - 2022, Phúc Sơn liên tục điều chỉnh vốn điều lệ. Theo cập nhật gần nhất, tính đến ngày 19/5/2022, vốn điều lệ của công ty đã giảm còn 1.600 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. 

Cũng trong hai năm này, Phúc Sơn liên tục bị các cơ quan chức năng “điểm tên” liên quan đến các dự án tại Nha Trang nói trên. Tháng 8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Phúc Sơn nộp gần 12.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang.

Ngày 26/2 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Phúc Sơn, CTCP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 6 bị can, trong đó có ông Hậu, Chủ tịch HĐQT Phúc Sơn vì có dấu hiệu giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, phạm quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

chọn
Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến khởi công đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến đường ven biển vào cuối năm
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xây dựng đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn từ QL 56 đến nút giao Vũng Vằn và đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển vào cuối năm nay.