Bộ trưởng Công Thương yêu cầu EVN phải hài hòa giải toả công suất, đưa điện mặt trời, điện gió lên lưới

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu EVN phải thực hiện nghiêm, đúng giải pháp, lộ trình đầu tư hệ thống trạm, lưới điện để đảm bảo giải toả công suất điện trước tình trạng hệ thống lưới truyền tải không đủ đáp ứng, buộc phải giảm công suất phát của điện gió, điện mặt trời.

Cụ thể, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và bảo đảm hiệu quả đầu tư xã hội, Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện nghiêm, đúng các giải pháp, theo đúng lộ trình các kế hoạch đầu tư hệ thống trạm, lưới điện để đảm bảo giải toả công suất điện.

EVN cũng phải có giải pháp thuật cụ thể đảm bảo sự hài hoà trong việc giải toả công suất và đưa điện lên lưới.

EVN-thieu-dien-vnf

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu EVN cũng phải có giải pháp kĩ thuật cụ thể đảm bảo sự hài hoà trong việc giải toả công suất và đưa điện lên lưới. (Ảnh minh họa).

"Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến Luật Quy hoạch mới để tập trung đẩy nhanh tiến độ đưa một số dự án mới vào để giải toả công suất, tăng nguồn phát để cân đối nguồn cung điện từ nay đến cuối năm", Bộ trưởng nêu kiến nghị.

Về vấn đề cung cấp điện cho nền kinh tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hiện đã có thêm công suất 5.000 MW nguồn điện mặt trời, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, nhiều dự án điện mặt trời đang gặp khó khăn do hệ thống hạ tầng để giải toả công suất, một số dự án chỉ giải toả được 30-40% công suất.

Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương đang cử một số đoàn công tác làm việc trực tiếp với các địa phương, và sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể vào tuần tới.

Trước đó, liên quan đến việc không thể giải tỏa được công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió do hệ thống lưới truyền tải không đủ đáp ứng, một số nhà máy điện mặt trời, điện gió bị yêu cầu cắt giảm công suất. 

Tại buổi họp báo thường Bộ Công Thương chiều 4/7, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cho biết Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh có số lượng nhà máy điện mặt trời lớn nhất.

Cụ thể, Ninh Thuận có 15 nhà máy với tổng công suất hơn 1.000 MW, còn Bình Thuận có 19 nhà máy với tổng công suất 871 MW. Đây là nơi tình trạng quá tải lưới điện diễn ra trầm trọng. Nhiều máy biến áp, trục đường dây ở mức quá tải tới hơn 200%.

Cá biệt, trục đường dây 110kV Tháp Chàm - Hậu Sanh - Tuy Phong - Phan Rí quá tải tới 260-360%...

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân bùng nổ điện mặt trời, dẫn đến hệ thống lưới truyền tải quá tải là tại thời điểm phê duyệt quy hoạch điện lực tỉnh, hoặc quy hoạch riêng lẻ dự án năng lượng tái tạo chưa đủ cơ sở để xem xét tổng thể khu vực, khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chưa tính đến tích hợp nguồn năng lượng tái tạo.

"Do vậy, có thể xảy ra trường hợp công suất nguồn năng lượng tái tạo truyền tải từ Ninh Thuận, Khánh Hòa đổ về Bình Thuận gây quá tải lưới điện", ông Bùi Quốc Hùng lý giải.

Ngoài ra, ông Hùng thông tin thêm, theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent (khoảng 2.086 đồng) một kWh có hiệu lực từ 1/6/2017, đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng này.

Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực đến 30/6/2019. Do đó, các địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ồ ạt đưa vào vận hành trước thời điểm 30/6/2019, để hưởng ưu đãi, dẫn đến quá tải.  

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.